Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ xét xử Thuduc House: Nhóm bị cáo thuộc Cục thuế phạm tội như thế nào?

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Vụ án tại Thuduc House đang được tòa xét xử, nhóm bị cáo thuộc Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đều thừa nhận hành vi phạm tội “Vi phạm quy định quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Vậy họ phạm tội như thế nào?

11 bị cáo cùng nhóm tội thừa nhận hành vi

Ngày 13/6, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử 67 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) với phần thẩm vấn của luật sư đối với các bị cáo. Trước đó, trong phần thẩm vấn của HĐXX, nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ, công chức Cục Thuế đều thừa nhận hành vi phạm tội “Vi phạm quy định quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

11 bị cáo thuộc nhóm tội danh nêu trên, gồm: Nguyễn Thị Bích Hạnh (SN 1969, Phó Cục trưởng Cục Thuế); Phạm Minh Tuấn (SN 1971) và Nguyễn Hữu Thành (SN 1966, cả 2 là Trưởng và Phó phòng Nghiệp vụ dự toán pháp chế); Lê Hữu Thanh (SN 1974, Phó phòng Kê khai kế toán thuế); Nguyễn Xuân Thắng (SN 1970, Trưởng phòng Kiểm tra nội bộ), Cao Văn Tỵ (SN 1966, Trưởng phòng Thanh tra kiểm tra thuế số 5), Hứa Quang Sơn (SN 1959, nguyên Phó phòng Pháp chế), Nguyễn Hữu Đức (SN 1963, Phó phòng Thanh tra kiểm tra số 8), Lê Thúy Hằng (SN 1981, công chức), Trần Thị Túy Nga (SN 1970, công chức), Nguyễn Hòa Bình (SN 1971, công chức).

Trong 25 bị cáo tại ngoại, có 1 số bị cáo trong nhóm thuộc Cục Thuế TP Hồ Chí Minh.
Trong 25 bị cáo tại ngoại, có 1 số bị cáo trong nhóm thuộc Cục Thuế TP Hồ Chí Minh.

Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, được giao phụ trách Phòng Kiểm tra thuế số 4 từ ngày 26/4/2018, có nhiệm vụ giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Thuduc House là doanh nghiệp (DN) nộp thuế do Phòng Kiểm tra thuế số 4 phụ trách.

Theo quyết định 502/QĐ-TCT ngàỵ 29/3/2010, quyết định 2245/QĐ-TCT ngày 8/11/2010 của Tổng cục Thuế quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng thuộc Cục Thuế, các phòng nghiệp vụ liên quan đến quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House, gồm: Phòng Kê khai kế toán thuế có nhiệm vụ trực tiếp tiếp nhận, phân loại và xử lý hồ sơ hoàn thuế, chuyển hồ sơ kiểm tra trước - hoàn thuế sau cho Phòng Kiểm tra thuế; Phòng Kiểm tra thuế số 4 có nhiệm vụ phát hiện nghi vấn bất thường trong kê khai thuế, tổ chức kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, kiểm tra hồ sơ đề nghị hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước của người nộp thuế.

Bên cạnh đó còn có Phòng Pháp chế (sau đổi tên thành Phòng Nghiệp vụ dự toán pháp chế) thẩm định dự thảo văn bản xử lý về thuế trình cấp có thẩm quyền ban hành, nội dung thẩm định gồm: Thủ tục hồ sơ đề nghị hoàn thuế, căn cứ pháp lý xác định đối tượng và trường hợp hoàn thuế, thẩm quyền và trình tự ban hành quyết định hoàn thuế; Phòng Thanh tra thuế sổ 3 có nhiệm vụ tổ chức thu thập thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, thanh tra hoạt động tạo, phảt hành và sử dụng hóa đơn của các tổ chức, cá nhân nộp thuế.

Vi phạm quy định trong thẩm định hoàn thuế

Từ tháng 2/2018-8/2019, Cục Thuế tiếp nhận 19 bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của Thuduc House, với tổng số tiền đề nghị hoàn là 430.680.662.111 đồng. Cục Thuế ban hành 17 quyết định hoàn thuế GTGT các kỳ từ tháng 2/2018-6/2019, tổng số tiền 365.547.441.471 đồng, chuyển vào tài khoản của Thuduc House. Trong 17 kỳ hoàn thuế, có 2 kỳ tháng 2 và 3/2018 được phân loại thuộc diện kiểm tra trước - hoàn thuế sau, giải quyết hoàn 34.065.489.621 đồng; 15 kỳ từ tháng 4/2018-6/2019 được phân loại thuộc diện hoàn thuế trước - kiểm tra sau, giải quyết hoàn 331.481.951.850 đồng cho Thuduc House.

Còn lại 2 hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT tháng 7 và 8/2019 của Thuduc House, Cục Thuế ban hành thông báo 3102/TB-CTTPHCM ngày 9/3/2021 không giải quyết hoàn 65.133.220.640 đồng. Đối với 15 kỳ hoàn thuế trước - kiểm tra sau (từ tháng 4/2018-6/2019), quy trình tiếp nhận, phân loại, xem xét, thẩm định và quyết định hoàn thuế được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý Thuế, các thông tư, công văn và các văn bản khác… của Bộ Tài chính về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho Thuduc House, các bị cáo nguyên là cán bộ Cục Thuế đã vi phạm các quy định về quản lý thuế, quy trình, quy định trong việc xét duyệt, thẩm định và quyết định việc hoàn thuế, dẫn đến thất thoát 331.481.951.850 đồng.

Thuduc House là DN có hoạt động xuất khẩu qua đất liền, có sự thay đổi bất thường về doanh thu tính thuế; có số thuế hoàn tăng đột biến (trên 20% so với cùng kỳ năm trước); DN có cùng mức thuế suất thuế GTGT đầu vào và đầu ra đề nghị hoàn; DN bên mua và bên bán có cùng chủ sở hữu, quan hệ liên kết. Đây là các dấu hiệu rủi ro cao phải kiểm tra 100% trước khi hoàn thuế theo quy định của Thông tư 99/2016, và các công văn khác.

Phát hiện rủi ro, nhưng vẫn hoàn thuế hơn 365,4 tỷ đồng!

Các dấu hiệu rủi ro cao về thuế đều được cán bộ, lãnh đạo Phòng Kê khai kế toán thuế và Phòng Pháp chế được phân công giải quyết hồ sơ hoàn thuế phát hiện, nhận định trong phiếu đề xuất, phiếu thẩm định và tờ trình lãnh đạo Cục Thuế tại các kỳ hoàn thuế từ tháng 4/2018, kiến nghị thực hiện xác minh hóa đơn, có kế hoạch kiểm tra sau hoàn thuế.

Tuy nhiên, bà Hạnh và chính các cán bộ, lãnh đạo được phân công giải quyết, phát hiện, nhận định, đề xuất đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành để xem xét, đánh giá và trao đổi giữa các bộ phận giải quyết, không thực hiện đầy đủ công tác xác minh, thẩm định các điều kiện hoàn thuế của DN, không kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện sai phạm, mà vẫn tiếp tục ký đề xuất (đối với các cán bộ đề xuất), ký duyệt, ký trình (đốỉ với các lãnh đạo Phòng Kê khai kế toán thuế và Phòng Pháp chế) và ký quyết định hoàn thuế cho Thuduc House (đối với bị cáo Bích Hạnh) tổng số tiền 331.481.951.850 đồng.

Tại kỳ hoàn tháng 4/2018, bà Hạnh có bút phê phân công Phòng Kiểm tra thuế số 4 kiểm tra sau hoàn thuế trong vòng 1 năm (kể từ ngày 29/5/2018) nhưng không chỉ đạo gì thêm. Đến kỳ hoàn thuế tháng 7/2018, cán bộ và lãnh đạo Phòng Kê khai kế toán thuế, gồm: Nguyễn Hòa Bình, Lê Hữu Thanh, Phạm Minh Tuấn phát hiện, có tờ trình ngày 14/8/2018 về rủi ro trong quá trình hoàn thuế cho Thuduc House, đề nghị lãnh đạo Cục Thuế kiểm tra sau hoàn thuế ngay. Bà Hạnh có bút phê chỉ đạo chuyển Phòng Thanh tra 3 nghiên cứu, phân tích trước hồ sơ và đề xuất, nhưng đến ngày 17/6/2019, Cục thuế mới thành lập Đoàn thanh tra để thanh tra sau hoàn thuế.

Trong thời gian này, bà Hạnh, các cán bộ, lãnh đạo Phòng Kê khai kế toán thuế và Phòng Pháp chế được phân công giải quyết hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House đã bỏ qua các dấu hiệu rủi ro, vẫn tiếp tục hoàn thuế mà không chờ kết quả kiểm tra, thanh tra để quyết định việc hoàn thuế, vi phạm các quy định về thuế.

Thực tế, hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House từ kỳ tháng 4/2018-6/2019 đều có dấu hiệu rủi ro giống như kỳ hoàn thuế tháng 7/2018 do Phòng Kê khai kế toán thuế nhận định, tiếp tục được nhận định trong phiếu thẩm định số 258/TĐ-PC-GTGT ngày 18/4/2019 của Phòng Pháp chế do Trần Thị Túy Nga lập, Nguyễn Hữu Thành và Cao Văn Tỵ ký duyệt đối với hồ sơ hoàn thuế kỳ tháng 3/2019 của Thuduc House. Tuy nhiên, sau đó văn bản này được thay đổi nội dung (giữ nguyên số, ngày, tháng phát hành) mà không có sự trao đổi, thống nhất giữa các bộ phận giải quyết hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House. Hành vi của các bị cáo được phân công nhiệm vụ giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho Thuduc House đối với 15 kỳ hoàn thuế trước - kiểm tra sau từ kỳ tháng 4/2018-6/2019 đã gây thất thoát cho Nhà nước 331.481.951.850 đồng.

 

Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh được xác định dù được báo cáo các dấu hiệu rủi ro về thuế nhưng không chỉ đạo các bộ phận xác minh, không chỉ đạo trao đổi giải quyết giữa các bộ phận khi có ý kiến chưa thống nhất, bỏ qua các dấu hiệu rủi ro mà cấp dưới đã trình; không chỉ đạo kiểm tra, thanh tra kịp thời, không chờ kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng đã ký 15 quyết định hoàn thuế GTGT và 15 lệnh hoàn trả cho Thuduc House, gây thất thoát 331.481.951.850 đồng.

Các bị cáo còn lại trong nhóm tội danh với Nguyễn Thị Bích Hạnh, được xác định gây thiệt hại với mức độ khác nhau, nhưng đều cùng hành vi bỏ qua các dấu hiệu rủi ro, không áp dụng các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế và để cho Thuduc House chiếm đoạt hơn 365,4 tỷ đồng.