Sinh ra vốn là người bình thường, đến khoảng năm 20 tuổi, cô gái người Mỹ gốc Việt Christine Hà (tên đầy đủ là Hà Huyền Trân) bắt đầu mắc một căn bệnh liên quan thần kinh khiến cô dần mất đi thị lực. Khoảng 8 năm sau, cô gần như mất hoàn toàn thị giác.
Vượt lên nghịch cảnh đó, cô vẫn tốt nghiệp ngành tài chính và quản lý hệ thống thông tin của Đại học Texas tại Austin và tiếp tục theo học thạc sĩ về Viết sáng tạo tại Đại học Houstin. Khi đang hoàn thành việc học này, quyết định tham gia cuộc thi Vua đầu bếp Mỹ đã khiến cuộc đời Christine chuyển sang một bước ngoặt mới.
Niềm yêu bếp núc cảm hứng từ mẹ và quê hương Việt Nam
Nói về câu chuyện đến với cuộc thi Vua đầu bếp năm 2012 tại Mỹ, Christine cho biết, cô vốn có niềm đam mê với nấu nướng nhưng niềm đam mê này không đến từ sớm. Mẹ cô, một người phụ nữ Việt Nam - thường nấu cho cho những món ăn đậm chất quê hương khi cô còn nhỏ một người Việt. Bà qua đời từ năm cô 14 tuổi.
Sau đó cô mới phát triển niềm đam mê nấu nướng, tìm về những hương vị ngày xưa được mẹ nấu cho và mày mò qua những cuốn sách nấu ăn Việt Nam. “Tôi cố gắng nhớ hương vị trong món phở mẹ nấu, hay kết cấu về phần nhân của món chả giò”, người phụ nữ 44 tuổi chia sẻ.
Ban đầu đến với cuộc thi, Christine coi đây là một sân chơi, một cơ hội tìm thêm tư liệu cho việc viết lách. Nhưng sau đó càng dấn sâu vào cuộc thi, cô càng tìm thấy nhiệt huyết để đi đến chiến thắng cuối cùng, trong đó đồng hành với cô là nhiều món ăn đậm đà hương vị quê hương Việt Nam. Dù sinh ra và lớn lên tại Mỹ, nhưng có bố mẹ là người Việt, Christine lớn lên với những câu chuyện, hương vị văn hóa Việt. “Yếu tố văn hoá là sự khác biệt của tôi. Nó giúp tôi kể câu chuyện của mình” - Christine nói.
Cô cũng cho biết, với sự “khó tính” của ban giám khảo vốn là những đầu bếp hàng đầu thế giới, đã trải qua mọi cao lương mỹ vị trên đời. Những món ăn thuần Việt truyền tải nền văn hóa độc đáo và chính câu chuyện của bản thân cô, là những “chiến lược” giúp cô chạm đến trái tim và góp phần giành chiến thắng.
Nước mắm – vũ khí bí mật
"Tôi nghĩ nước mắm là một gia vị rất phổ biến và có thể sử dụng ở rất nhiều món. Ví dụ như khi làm món ớt kiểu Texas hay nước sốt bolognese của Ý, tôi sẽ thêm một chút nước mắm cho vị mặn và sự ngon miệng”, cô chia sẻ.
Trong cuộc thi Master Chef năm 2012, Christine cũng đã nấu một số món mang đậm hương vị Việt Nam như: cơm tấm sườn, cá kho, gỏi đu đủ… trong đó sử dụng nước mắm. Đây cũng là gia vị yêu thích được cô thường xuyên sử dụng cho những món ăn Việt, thậm chí sáng tạo ứng dụng cho cả những món ăn từ các nước khác.
“Nếu sử dụng thận trọng hoặc rất ít, biết cách để cho hương vị nước mắm không lấn át thì tôi nghĩ nó sẽ trở thành vũ khí bí mật của mình”, Christine hào hứng chia sẻ.
Mắm tôm hay những gia vị đặc trưng khác của Việt Nam cũng trong danh sách yêu thích của cô. Chia sẻ thêm về những món ăn Việt, cô cho biết bún đậu mắm tôm là món mà cô rất thích trong những chuyến về Việt Nam. Nhưng nếu chỉ được chọn một món ăn mà mình “say mê” nhất, cô sẽ chọn phở gà.
Trở về Việt Nam nhiều lần, cô cho biết “qua lần thứ 10” thì bản thân “không đếm nổi nữa” nhưng mới được có cơ hội thưởng thức ẩm thực của Thủ đô Hà Nội lần đầu bởi ở những lần khác là vào dịp tết, các hàng quán đóng cửa hết. “Tôi mê bánh cuốn và đang muốn thử ăn bún chả”, Christine chia sẻ đam mê với các món ăn đậm chất Hà Thành.
Bảo tồn văn hóa Việt qua hương vị
Dù sinh ra và lớn lên tại Mỹ, tuổi thơ Christine đong đầy hương vị Việt và cũng đồng hành trong suốt sự nghiệp bếp núc của cô. "Do đó, tôi muốn bảo tồn nền văn hóa Việt Nam", cô nói.
"The Blind Goat", nhà hàng đầu tiên của cô ở Houston, đã được James Beard Foundation đề cử là một trong những nhà hàng mới xuất sắc nhất năm 2020 tại Mỹ. Cũng trong năm đó, giữa thời điểm đại dịch Covid-19, nữ đầu bếp mở nhà hàng thứ hai trên đất Mỹ, đặt tên là "Xin chào". Tại cả hai cửa hàng này của Christine đều phục vụ cho thực khách những món ăn Việt Nam được chế biến theo phong cách hiện đại, vừa gần gũi với văn hóa Việt vừa cân bằng với khẩu vị của người Mỹ.
"Nhiều người Mỹ có thể cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy toàn bộ con cá ở trên bàn. Mặt khác với văn hóa châu Á, phục vụ một món ăn với nguyên liệu nguyên vẹn là biểu trưng cho sự dồi dào, may mắn. Trong một món cá ở nhà hàng The Blind Goat, tôi đã giữ phần đầu và đuôi của con cá, còn phần thân cá đã được lọc xương để thực khách dễ thưởng thức hơn", Christine nói.
Với món chả cá, vì nhiều người Mỹ có thể không ăn được mắm tôm nên cô chỉ nêm gia vị đặc trưng này vào quá trình tẩm ướp, nước chấm ăn kèm được làm từ nước mắm thường.
Khi được hỏi quyết định chuyển từ viết lách sang nấu ăn có khó khăn, Christine cho rằng hai công việc này có nhiều điểm tương tự và liên hệ. “Tôi không nghĩ mình nhảy từ A sang B mà nhiều thứ diễn ra trong cuộc sống như những chấm nhỏ và khi chúng ta kết nối với nhau sẽ được bức tranh cuộc sống độc đáo của mỗi cá nhân”, cô chia sẻ. Con đường đến với công việc đầu bếp không có nghĩa là sẽ không viết nữa mà tiếp tục là động lực cho cô tìm thêm những tư liệu viết lách. Hiện, bên cạnh việc làm chủ các nhà hàng, cô cũng là tác giả sách nấu ăn lọt top bán chạy, trong đó có cuốn sách “Nấu ăn bằng cả trái tim” bằng tiếng Việt.
Về kế hoạch trong 5 năm tới, cô cho biết “Sẽ không làm việc quá vất vả” và khẳng định để vượt qua những nghịch cảnh cũng như thất bại trong cuộc sống, cô chọn cách tự an ủi mình và tận hưởng nhiều niềm vui nhỏ bé.
Christine cho rằng, là một người khuyết tật, dù bạn ở đâu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng điều quan trọng là bạn phải biết tìm kiếm sự giúp đỡ, hãy cho mọi người biết rằng nếu người khuyết tật được hỗ trợ, được tạo điều kiện đúng cách thì họ có thể làm được mọi thứ.
Chia sẻ về quê hương Việt Nam, Christine cho biết, sự chăm chỉ chịu khó của người Việt khiến cô ấn tượng vô cùng: "Họ có thể không có nhiều điều kiện, nhưng họ làm ra những điều đáng kinh ngạc. Điều đó khiến tôi thấy rằng à thì ra bạn không cần mọi thứ trên đời để hạnh phúc hay tận hưởng cuộc sống".
Christine cho biết, khi trở về Việt Nam, cô không cố gắng dạy người Việt cách nấu những món ăn của họ, mà chỉ cố gắng giới thiệu những nền văn hoá khác. Tại Lễ hội tiệc nướng mỹ vị Hoa Kỳ tại Hà Nội ngày 21/9, Christine Hà đã trổ tài làm món thịt nướng kiểu Mỹ.
Cũng tại lễ hội, khách mời đã có cơ hội thưởng thức tiệc nướng kiểu Mỹ với 20 món đa dạng được làm từ 28 nguyên liệu Mỹ bao gồm thịt heo, gà, khoai tây, phô-mai California, táo Washington, việt quất, nho khô, sâm Wisconsin, đậu phụ tươi và dầu ăn làm từ đậu nành Hoa Kỳ; thịt bò, rượu rum, bưởi, ngũ cốc cao lương, bột mỳ cao lương không gluten và sốt BBQ từ bang Texas.
Thương mại Nông sản Hoa Kỳ - Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng trong 5 năm gần đây, với kim ngạch thương mại nông sản song phương đạt con số 9,8 tỷ USD trong năm 2022. Việt Nam là nhà nhập khẩu lớn thứ 9 đối với nông sản Hoa Kỳ, trong khi đó Hoa Kỳ là nhà nhập khẩu lớn nhất đối với nông sản Việt Nam.