Vừa mừng, vừa lo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những địa phương đi đầu về đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp (KCN), nhưng Hà Nội không chủ quan với vấn đề này.

Dẫu vậy, thanh kiểm tra sẽ chỉ tạo “lớp vỏ” bên ngoài nếu như chính những chủ DN không coi trọng sức khỏe của người lao động.

Đẩy mạnh phối hợp
Kết quả kiểm tra cho thấy 100% bếp ăn có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 97,4% người tham gia chế biến thực phẩm có giấy khám sức khỏe; 97,2% số người chế biến thực phẩm có giấy xác nhận kiến thức ATTP; 100% cơ sở đều có kết quả kiểm nghiệm nước định kỳ dùng cho chế biến thực phẩm; 96,4% cơ sở có giấy kiểm dịch đối với sản phẩm gia súc, gia cầm; 88,3% cơ sở có đủ diện tích phù hợp để bố trí các khu vực bếp ăn tập thể hoạt động bảo đảm các điều kiện vệ sinh; 93,7% bếp ăn có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các loại thực phẩm.

Năm nay, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 2 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể của KCN Mê Linh và Chương Mỹ. Mặc dù qua theo dõi, những công nhân thực chất bị ngộ độc chỉ khoảng vài người, số còn lại là do phản ứng dây chuyền và do tâm lý, nhưng đây cũng là “hồi chuông” cảnh tỉnh đến các cấp quản lý, các chủ DN về việc đảm bảo ATTP trong những bữa ăn của công nhân. Sau vụ việc trên, công tác đảm bảo ATTP đã liên tục được tăng cường qua các cuộc thanh tra, kiểm tra bếp ăn tập thể trên địa bàn. So với thời gian trước, Hà Nội chưa có nhiều KCN thì đến nay khi các KCN mới liên tục “mọc” lên, đồng nghĩa việc đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể tại các KCN cũng “nóng” theo.

Để công tác đảm bảo ATTP thực sự đi sâu, đi sát tới tận các DN, Sở Y tế Hà Nội và Ban Quản lý (BQL) các KCN và chế xuất Hà Nội đã “bắt tay” ban hành quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm ATTP, vệ sinh lao động, phòng chống dịch bệnh, góp phần hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Quy chế nêu rõ trách nhiệm của các bên, trong đó, Chi cục ATVSTP Hà Nội là đơn vị trực tiếp phối hợp với BQL trong việc phổ biến kiến thức ATTP, đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra và thẩm định cơ sở đủ điều kiện ATTP với các đơn vị có bếp ăn tập thể, căng tin trong KCN.
Chuẩn bị bữa ăn cho công nhân tại bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Terumo Việt Nam, KCN Quang Minh, huyện Mê Linh.  		 	Ảnh: Khánh Hà
Chuẩn bị bữa ăn cho công nhân tại bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Terumo Việt Nam, KCN Quang Minh, huyện Mê Linh. Ảnh: Khánh Hà
Vì cái bắt tay này, Chi cục ATVSTP Hà Nội đã thành lập 3 đoàn thanh, kiểm tra chuyên ngành và phối hợp với các phòng ban chức năng của BQL, phòng y tế, trung tâm y tế các huyện tiến hành thanh, kiểm tra 111 bếp ăn tập thể các DN trong Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Trong đó, KCN Thăng Long 55 cơ sở, KCN Quang Minh 18 cơ sở, KCN Nội Bài 18 cơ sở, KCN Sài Đồng 6 cơ sở… Qua kiểm tra, ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, các bếp ăn tập thể cung cấp trung bình hơn 72.000 suất ăn/ngày với giá 16.000 - 25.000 đồng/suất. Đa số bếp ăn được thiết kế và xây dựng với quy mô hiện đại, tiện dụng. Điều đáng mừng là nhiều DN đã tuân thủ tốt quy định bảo đảm ATTP và có trách nhiệm trong hoạt động bếp ăn tập thể. Một số cơ sở còn tổ chức kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, test nhanh thực phẩm… Tuy nhiên, xét cả về thủ tục pháp lý, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và tuân thủ đảm bảo ATTP thì vẫn còn tới 36/111 bếp ăn được kiểm tra chưa đảm bảo ATTP.

Tăng cường trách nhiệm của chủ doanh nghiệp

 Ông Tụ cho biết, các bếp ăn chưa đảm bảo ATTP đã được kiểm tra đa phần đều mắc các lỗi vi phạm như: Thiết kế và tổ chức bếp không theo nguyên tắc một chiều, hệ thống cống thoát nước không đảm bảo; kho và thực hiện bảo quản thực phẩm không đúng; dụng cụ sống/chín không để riêng biệt; người chế biến không khám sức khỏe hoặc xác nhận kiến thức vệ sinh thực phẩm… Nguyên nhân là do chủ DN chưa thực sự quan tâm đến việc đảm bảo ATTP tại bếp ăn tập thể. Có DN đã giao cho bộ phận nhân sự quản lý, nhưng bộ phận này lại ít khi kiểm tra hoặc nếu có cũng chỉ là hình thức. Một số DN liên kết nhà thầu kinh doanh dịch vụ ăn uống nấu tại chỗ, nhưng lại chưa chủ động cùng nhà thầu khắc phục ngay các điều kiện về cơ sở vật chất không đảm bảo tại bếp của đơn vị mình.

Hơn thế, bộ phận quản lý ATTP của DN chưa quan tâm nhiều đến việc giao nhận thực phẩm, cân định lượng suất ăn, chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc kiểm thực 3 bước, giám sát và xây dựng thói quen thực hành vệ sinh ATTP cho người chế biến. Thậm chí, tại một số DN, bộ phận quản lý của nhà thầu chưa coi trọng việc giám sát, hướng dẫn để người chế biến có thói quen thực hành vệ sinh hoặc nếu có thì cách làm lại chưa tuân thủ theo quy trình phòng ngừa nhiễm chéo thực phẩm do không được tập huấn định kỳ. Mặt khác, khi giá cả thị trường tăng thì giá của một suất ăn dành cho công nhận vẫn “dậm chân tại chỗ”. Một phần do các chủ DN vì lợi nhuận không muốn tăng trợ cấp tiền ăn cho công nhân, một phần do chính những người lao động muốn giữ thu nhập nên chấp nhận những suất ăn đó.

 Mặc dù ông Tụ cho biết, qua những cuộc kiểm tra bếp ăn tập thể trong các KCN tại Hà Nội, công nhân đều hài lòng với suất ăn, nhưng xét về thực tế, nếu giá thành một suất ăn quá thấp thì việc lựa chọn nguồn nguyên liệu vừa đảm bảo ATTP vừa đảm bảo dinh dưỡng cho người dùng khó có thể thực hiện. Chính vì vậy, để có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người lao động, sự vào cuộc một cách nghiêm túc của các chủ DN là việc làm cần đi tiên phong. Ông Tụ cho rằng, chủ DN cần quan tâm định kỳ kiểm tra hoạt động bếp ăn tập thể, phân định rõ và phối hợp với nhà thầu để kịp sửa chữa, nâng cấp cơ sở trang thiết bị đảm bảo ATTP, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thực hiện vệ sinh ATTP. Đặc biệt, chủ DN nên tiến hành kiểm tra định kỳ nguồn gốc thực phẩm và nếu có thể nâng giá suất ăn cho công nhân lên 20.000 - 25.000 đồng/suất.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cũng cho rằng, muốn bếp ăn tập thể đảm an toàn thì BQL các KCN cần chỉ đạo các nhà máy trong KCN và chế xuất chăm lo cho bữa ăn của công nhân, tăng cao định mức khẩu phần suất ăn, coi sức khỏe của người lao động là tài sản của DN. Bên cạnh đó, tại mỗi DN cần thực hiện công tác tự giám sát các điều kiện ATTP tại bếp ăn và nơi cung ứng thực phẩm. Chính mỗi công nhân cần nhìn nhận vấn đề “sức khỏe là vốn quý” và nói không với những suất ăn giá rẻ mà mất an toàn. Về vấn đề quản lý ATTP tại bếp ăn KCN trong thời gian tới, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh việc tới đây, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu và đưa ra khung khẩu phần ăn tối thiểu cho công nhân tại các KCN về giá và lượng calo. Hàng năm, Ban chỉ đạo ATVSTP TP Hà Nội sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá công tác ATTP tại bếp ăn tập thể các KCN, phối hợp với các đơn vị truyền thông công khai tên đơn vị vi phạm về ATTP.
Ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế):
Cộng đồng chú ý đến bếp ăn tập thể
Bếp ăn tập thể đảm bảo ATTP là bếp ăn có môi trường xung quanh sạch sẽ, không làm ô nhiễm môi trường vệ sinh thực phẩm, bảo đảm đầy đủ các yêu cầu ATTP đối với cơ sở, trang thiết bị dụng cụ và duy trì lau rửa hằng ngày, thực phẩm nhận về có nguồn gốc an toàn và đầy đủ nhãn mác. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm, kinh doanh thực phẩm quá hạn, không có nguồn gốc rõ ràng và sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế. Nhân viên phục vụ trong bếp ăn tập thể phải được khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần, có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức VSATTP và bảo đảm thực hành tốt về vệ sinh cá nhân. Các bếp ăn phải thực hiện kiểm thực 3 bước và chế độ lưu mẫu thực phẩm 24 giờ. So với các địa phương khác, các KCN ở Hà Nội chủ yếu tổ chức bếp ăn tập thể tại chỗ, do vậy, điều kiện ATVSTP tốt hơn. Mặt khác, mức chi cho mỗi suất ăn ở KCN tại Hà Nội cao hơn so với KCN tại Bình Dương hay TP Hồ Chí Minh nên chất lượng thực phẩm cũng bảo đảm an toàn hơn. Tuy nhiên, muốn bếp ăn tập thể bảo đảm an toàn thì cần có sự tham gia của cộng đồng với việc nâng cao khẩu hiệu “Cộng đồng chú ý đến bếp ăn tập thể”.
Ông Đặng Minh Thuần – Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hà Nội:
Tác động chung đến vấn đề an toàn thực phẩm toàn TP
Số lượng lao động tại các KCN trên địa bàn Hà Nội chủ yếu là người lao động ngoại tỉnh, nên thường xuyên ăn ngay tại các bếp ăn tập thể trong đơn vị. Việc đảm bảo ATTP các bữa ăn, đảm bảo sức khỏe cho người lao động cũng là đảm bảo năng suất lao động cho các DN. UBND TP cũng đã có văn bản giao cho Sở Y tế chủ trì phối hợp với các ngành chức năng đưa ra những giải pháp và chương trình nhằm đảm bảo ATVSTP cũng như ATTP tại các KCN, nhất là những nơi tập trung đông công nhân. Liên đoàn lao động TP đánh giá cao chương trình phối hợp giữa Sở Y tế với BQL các KCN, chế xuất trên địa bàn Hà Nội. Đây là sự tác động chung đến vấn đề ATTP, vệ sinh lao động, sức khỏe của công nhân viên chức trên toàn TP chứ không riêng gì tại các KCN.
Hà Ngân ghi