Theo quy định của FIFA, bóng đá chuyên nghiệp nhưng lại không có trọng tài chuyên nghiệp để có nhiều tiếng còi công tâm. Các trọng tài châu Âu xuất thân từ đủ mọi ngành nghề: luật sư, bác sĩ, thậm chí có khi chỉ là anh lính cứu hỏa…nhưng đạo đức nghề nghiệp trọng tài luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu.
Quyền được sai lầm?
Khi phạm sai lầm, không chờ đến án phạt của Ban trọng tài, các “ông vua sân cỏ” châu Âu sẽ chủ động xin lỗi “đội bị hại”, rất đàn ông. Đây là điều khá bình thường với sân cỏ thế giới nhưng tại Việt Nam “văn hóa xin lỗi” đang là điều xa xỉ và Ban trọng tài cũng không khuyến cáo các ông “vua sân cỏ” điều này. Hình như trọng tài Việt đang cho rằng mình có quyền được sai lầm (?!!).
Làm thế nào để có được cái ủy như trọng tài nước ngoài? Ảnh CNN |
Trở lại công tác trọng tài ở Việt Nam, về lý thuyết thì rất chặt chẽ. Muốn trở thành trọng tài và trợ lý trọng tài ở V.League thì bắt buộc anh phải trải qua những bước đầu tiên từ các giải trẻ. Hệ thống Trọng tài Việt Nam hiện nay được chia làm 4 cấp. Theo đó chỉ các Trọng tài cấp 1 mới được làm nhiệm vụ ở các giải chuyên nghiệp (V-League, Hạng Nhất và Cúp Quốc gia).
Trọng tài cấp 2 sẽ được bổ nhiệm làm nhiệm vụ ở các giải ngoài chuyên nghiệp (hạng nhì và U19 trở lên). Trọng tài cấp 3 sẽ được bổ nhiệm làm nhiệm vụ ở các giải hạng 3 và U17 trở xuống. Trọng tài cấp 4 sẽ được bổ nhiệm làm các giải phong trào. Ngoài việc phải trải qua các cuộc kiểm tra y tế, các trọng tài sẽ bị buộc phải nghỉ hưu khi tròn 45 tuổi để đảm bảo thể lực cũng như độ tinh thông khi cầm còi.
Đầu vào của nghề trọng tài Việt Nam phần lớn là các cựu cầu thủ, các giáo viên thể dục tại các trường học. Nhưng nếu quen biết và được sếp nào đó bảo đảm thì trong quá khứ có ông chủ quán café ở Đà Nẵng đã lọt sâu vào hệ thống đào tạo bởi được phê là “có tình yêu bóng đá sâu sắc”.
Nhìn cái quy trình như thế, thường thì các trọng tài không có tỳ vết, phải có 4-5 năm liên tục theo các giải thấp lên cao mới có thể bắt V.League. Nghĩa là chí ít cũng phải cầm còi 100 trận, mới có mặt làm trợ lý, rồi trọng tài bàn và trọng tài chính, đó là có thầy đỡ đần. Còn để trở thành trọng tài FIFA thì phức tạp hơn nhiều, thường phải ít nhất 10 năm trong nghề, tiếng Anh phải ngon lành.
Để đạt Trọng tài FIFA đẳng cấp Elite, cấp cao nhất của trọng tài FIFA của một châu lục đủ điều kiện tham gia điều khiển trận đấu ở các giải đấu quan trọng, ví dụ như vòng loại World Cup 2022, hay AFC Championnes League thì phải phấn đầu 14-15 năm liên tục.
Con voi chui lọt lỗ kim
Thực tế tại sân cỏ Việt Nam nếu phải tự thân vận động thì có người đến “tuổi hưu” cũng chưa lên được hạng trọng tài cấp 2…Ngược lại, vẫn có những người “ngon lành, cành đào” tự dưng được thổi V.League trong sự ngỡ ngàng của các đội bóng. Các HLV, cầu thủ trong nghề thì “biết tỏng” những chuyện này, nên Công Vinh chả ngại gì quỳ xuống vái sống trọng tài Vũ Bảo Linh (V.League 2010), điều mà ngoài xã hội chả ai dám làm.
Rồi mới đây là chuyện Trọng tài Bùi Quang Thông bị tố là có “quá khứ đen” nhưng vẫn được cầm còi V.League. Chuyện là mùa giải là đội trưởng Bùi Quang Thông của đội Đông Sơn – Thanh Hóa đá giải hạng 3, đã cùng thủ môn đội đến gặp lãnh đội Quân khu 2 để "làm luật".
Hồ sơ kỷ luật Bùi Quang Thông (2002) đã được giấu nhẹm. Ảnh TTXVN |
Sự việc sau đó không thành, cuộc ra giá này đã bị phía Quân khu 2 ghi âm lại và gửi cho VFF để làm bằng chứng tố cáo. Kết quả, Đông Sơn Thanh Hóa bị loại khỏi giải, còn Bùi Quang Thông cũng bị treo giò vĩnh viễn. Nhưng “có thầy” nên sau khi bị treo giò vĩnh viễn nghiệp “quần đùi, áo số” thì 3 năm sau, Bùi Quang Thông được hướng sang làm trọng tài.
Bắt đầu học lớp nghiệp vụ trọng tài năm 2005, ông Thông nhanh chóng có mặt ở giải hạng Nhất rồi leo lên bắt V.League. Sự việc chỉ vỡ lỡ ra khi HLV Hoàng Anh Tuấn của S.Khánh Hòa sau khi bức xúc với tiếng còi của vị trọng tài “đi xuyên tường” này trong trận gặp chủ nhà Hà Nội tại V.League 2012 đã bung tin về tư cách trong quá khứ của “ông vua áo đen” này cho báo chí. Tất nhiên VFF sẽ đổ lỗi cho người tiền nhiệm làm thất lạc hồ sơ nhưng ông “vua áo đen” gốc Thanh Hóa này cũng phải biến mất khỏi sân cỏ.
Ngôi nhà của những “ông vua áo đen”, nếu ai đi sâu vào tìm hiểu “ta nghe trong đó bao nhiêu là chuyện lạ”.