Vừa vận hành, vừa hoàn thiện thị trường chứng khoán phái sinh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự ra đời của thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh được kỳ vọng sẽ làm tăng tính hiệu quả của TTCK, thu hút thêm vốn, tăng giá trị giao dịch và thanh khoản thị trường.

Tuy nhiên, với quy mô thị trường nhỏ, mức độ tham gia của các nhà đầu tư (NĐT) tổ chức trong và ngoài nước còn khá khiêm tốn, để vận hành TTCK phái sinh thành công cũng còn nhiều thách thức.

Đa dạng hóa các mô hình đầu tư

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh. Theo đó, chứng khoán phái sinh giao dịch trên TTCK phái sinh bao gồm: Hợp đồng tương lai; quyền chọn niêm yết; hợp đồng kỳ hạn dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán (GDCK); chứng khoán phái sinh niêm yết khác, chứng khoán phái sinh giao dịch thỏa thuận khác dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán giao dịch trên sở GDCK.
Giao dịch tại Công ty CP Chứng khoán Đông Nam Á.           Ảnh: TUẤN ANH
Giao dịch tại Công ty CP Chứng khoán Đông Nam Á. Ảnh: TUẤN ANH
Sự ra đời của TTCK phái sinh mang lại khá nhiều lợi ích cho NĐT. Không chỉ đưa ra những dấu hiệu chỉ báo giá trong tương lai của tài sản gốc, mục đích chính khi GDCK phái sinh còn là công cụ phòng vệ rủi ro (hedging), đầu cơ (speculating), và kinh doanh chênh lệch giá (arbitraging). Những NĐT, đặc biệt là các NĐT chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư am hiểu về thị trường và sử dụng thành thạo các công cụ chứng
Là một thị trường hoàn toàn mới đối với Việt Nam, để đưa TTCK phái sinh vào vận hành, một khối lượng công việc rất lớn được đặt ra. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và các thành viên thị trường để triển khai thị trường này. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho NĐT nhằm trang bị cho họ các kỹ năng đầu tư, từ đó hình thành sức cầu đủ lớn để hấp thụ các sản phẩm mới.

Ông Nguyễn Sơn - Trưởng ban Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
khoán phái sinh sẽ là những đối tượng đầu tiên quan tâm đến những sản phẩm mới này. Do đó, khi đưa vào vận hành, với các sản phẩm mới, đa dạng sẽ tăng sức hấp dẫn cho thị trường, thu hút thêm vốn, tăng giá trị giao dịch và thanh khoản thị trường.

Bằng việc sử dụng những sản phẩm tài chính phái sinh, NĐT có thể đưa ra nhiều chiến lược đầu tư, cũng như cách tiếp cận mới để quản trị rủi ro mà thông thường sẽ không tạo ra được chỉ với bằng những tài sản cơ sở. Ví dụ điển hình là tồn tại một sản phẩm phái sinh với tên gọi “quyền chọn bán” cho phép giới đầu tư đầu cơ giá xuống. Như nhiều chuyên gia đã nhận định rằng TTCK Việt Nam chỉ chuyển động một chiều (thị trường lên thì mua, thị trường xuống thì bán), “quyền chọn bán” sẽ giúp giải quyết vấn đề này, cũng như quản trị rủi ro giá xuống cho người nắm giữ chứng khoán tương ứng, hoặc cho phép “bán khống” (short sell) một cách hợp pháp.

Hay như trong thu hút dòng vốn đầu tư từ NĐT nước ngoài. Điển hình là các hợp đồng tương lai chỉ số (hợp đồng tương lai chỉ số VN-Index, HNX-FF Index, hay các bộ chỉ số ngành) cho phép NĐT tham gia “đầu tư trực tiếp vào VN-Index (hoặc HNX-FF Index)” hệt như đang tham gia đầu tư vào một cổ phiếu nhất định. Tác dụng rõ ràng nhất của việc “đầu cơ chỉ số” là giúp NĐT loại bỏ hoàn toàn rủi ro công ty. Ngoài ra, sự ra đời của các công cụ phái sinh còn có thể phần nào giải quyết vấn đề thiếu hụt room cho khối ngoại. Cụ thể, thay vì trực tiếp nắm giữ, NĐT nước ngoài có thể nắm giữ sản phẩm phái sinh (quyền chọn mua/quyền chọn bán) với tài sản cơ sở là chính cổ phiếu/chứng khoán đó. Như vậy, trừ khi tổ chức nước ngoài muốn trở thành cổ đông chiến lược thì mọi hình thức đầu tư từ đầu tư giá trị tới đầu cơ ngắn hạn đều được thỏa mãn bởi các công cụ phái sinh.

Theo Nghị định của Chính phủ, Sở GDCK được áp dụng một hoặc một số biện pháp để ổn định thị trường và bảo vệ NĐT: Thay đổi số phiên giao dịch, thời gian giao dịch; áp dụng, điều chỉnh giới hạn lệnh, giới hạn lệnh tích lũy; hạn chế mở vị thế mới; dừng hoặc hủy bỏ các lệnh giao dịch.

Thách thức không nhỏ

TTCK phái sinh là sân chơi đầy tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức bởi cơ chế hoạt động của chứng khoán phái sinh khá phức tạp, đòi hỏi phải có những am hiểu nhất định. Theo ông Bùi Nguyên Hoàn - thành viên Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, quy mô TTCK Việt Nam hiện còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và thế giới và mức độ tham gia của các NĐT tổ chức trong và ngoài nước còn khá khiêm tốn, việc thu hút được các NĐT tham gia trong giai đoạn đầu sẽ là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của TTCK phái sinh.

Ở phương diện trực tiếp, các công ty chứng khoán có thể tham gia giao dịch và môi giới chính chứng khoán phái sinh cho khách hàng. Tuy nhiên, không phải công ty chứng khoán nào cũng có thể tham gia vào thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro này. Theo Dự thảo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đối với các công ty chứng khoán, điều kiện để tham gia tự doanh chứng khoán phái sinh là vốn điều lệ trên 600 tỷ đồng và điều kiện để cung cấp dịch vụ môi giới là vốn điều lệ trên 800 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 1/3 số công ty chứng khoán đáp ứng được những điều kiện về vốn này. Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch HĐQT Sở GDCK Hà Nội (HNX) cũng thừa nhận về sự rủi ro của thị trường. Theo ông Dũng, để có thể vận hành tốt thị trường mới mẻ này thì Việt Nam phải đầu tư hệ thống công nghệ thật tốt, đào tạo nguồn nhân lực đủ mạnh mới có thể đáp ứng nhu cầu.

Ngoài những thách thức về cơ sở hạ tầng cho tổ chức và hoạt động của TTCK phái sinh, do tính chất phức tạp của giao dịch sản phẩm tài chính phái sinh khiến cho hoạt động của các công cụ này nhạy cảm với hành vi gian lận, tiêu cực. Trên thị trường phái sinh có nhiều đối tượng tham gia như các nhà kinh doanh, nhà đầu cơ, nhà môi giới… Mỗi người tham gia trên thị trường đều vì mục đích khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Vì vậy, nguy cơ rủi ro cũng như khả năng thu lợi trên hợp đồng phái sinh là rất lớn. Do đó, ngoài việc ban hành mới và bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật để quy định nguyên tắc và tổ chức hoạt động của thị trường phái sinh, thì việc điều hành và giám sát hoạt động của thị trường cũng rất cần thiết. Các vấn đề về môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực pháp lý cao là điều kiện cần cho sự hình thành và phát triển của sân chơi tài chính cao cấp này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần