Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vui Tết Độc lập của những người con xứ Bắc trên cao nguyên

Phương Đông - Lữ Khách
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Độc lập 2/9 là ngày lễ trọng đại đối với mỗi người dân Việt Nam. Với cộng đồng các dân tộc trên Tây Nguyên, ngày này còn mang ý nghĩa đặc biệt sâu sắc.

Bà con xã Ia Lâu treo Quốc kỳ chào mừng Tết Độc lập
Bà con xã Ia Lâu treo Quốc kỳ chào mừng Tết Độc lập

Đây không chỉ là dịp để tôn vinh lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn là thời điểm để người dân cao nguyên thể hiện tình đoàn kết, niềm tự hào và lòng biết ơn đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.

Ngay từ những ngày cuối tháng 8, không khí chuẩn bị cho ngày Tết Độc lập đã rộn ràng khắp xã Ia Lâu, huyện Chư Prông (Gia Lai). Những con đường, nhà cửa được trang hoàng cờ đỏ sao vàng, tạo nên một bầu không khí đầy phấn khởi và tự hào. Cả cộng đồng cùng nhau dọn dẹp, chuẩn bị các món ăn truyền thống, và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao để chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc.

Xã Ia Lâu là một xã vùng biên thuộc tỉnh Gia Lai.
Xã Ia Lâu là một xã vùng biên thuộc tỉnh Gia Lai.

Nếu như các năm trước, người Mường tại xã Ia Lâu tổ chức nhiều hoạt động truyền thống như thi đấu thể thao, trò chơi dân gian và lễ hội văn hóa đặc sắc như múa sạp, đánh đu, ném còn… thu hút sự tham gia nhiệt tình của cả cộng đồng thì Tết Độc lập năm nay, người Mường tụ họp, cùng nhau đi thăm hỏi từng nhà, chung tay mổ trâu, mổ heo, mổ gà để ăn mừng, chúc tụng nhau về sức khoẻ, kinh tế gia đình, thể hiện sự đoàn kết các dân tộc.

Bà con thăm hỏi nhau nhân ngày Tết Độc lập.
Bà con thăm hỏi nhau nhân ngày Tết Độc lập.

Ông Bùi Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu cho biết: “Trên địa bàn xã, cộng đồng người Mường chiếm 46% tỷ lệ dân số, có sự đóng góp về phát triển kinh tế xã hội, an ninh, chính trị tại địa phương. Đặc biệt là vẫn lưu giữ và phát huy được các nét truyền thống văn hoá, xoá bỏ các phong tục cổ hủ… Cứ trước thềm 2/9, không khí rộn ràng và đoàn kết lắm. Đối với người Mường ở đây thì ngày Tết Độc lập là ngày lễ lớn, có thể so sánh với cả Tết Nguyên đán.”

Người Mường cúng tổ tiên trong ngày 2/9, thể hiện lòng biết ơn với thế hệ cha ông.
Người Mường cúng tổ tiên trong ngày 2/9, thể hiện lòng biết ơn với thế hệ cha ông.

Người Mường tại Ia Lâu luôn ghi nhớ những đóng góp của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển quê hương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đời sống của bà con đã có nhiều cải thiện rõ rệt. Các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng cơ sở như đường giao thông, trường học, trạm y tế đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.

Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, với tinh thần ham học hỏi, chịu thương chịu khó, cộng đồng người Mường nói riêng và các dân tộc anh em khác cũng đã luôn luôn cải tiến trong sản xuất nông nghiệp, cải tạo cây trồng vật nuôi, tiếp thu và vận dụng khoa học vào thực tiễn, từ đó dần dần đổi thay về kinh tế, mang lại cho bà con cuộc sống ấm no và hạnh phúc, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Tại đây, nhà nào cũng treo Quốc kỳ chào mừng Tết Độc lập.
Tại đây, nhà nào cũng treo Quốc kỳ chào mừng Tết Độc lập.

Bà Bùi Thị Nhàn (trú thôn Hoà Bình) niềm nở chia sẻ: "Gia đình chúng tôi đi kinh tế mới từ những năm 1993, lúc mới vào đây gặp rất nhiều khó khăn. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương, sự chia sẻ của các dân tộc bản địa tại đây, chúng tôi đã có ngày hôm nay. Cho nên, Tết Độc lập hàng năm là một ngày lễ đặc biệt với gia đình cũng như người Mường chúng tôi, đây là ngày để chúng tôi tưởng nhớ lại công lao của thế hệ cha ông, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền”.

Hoà chung không khí vui tươi trong ngày lễ 2/9, bà con thôn Cao Thắng, xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cũng đã tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao, nhà nhà treo cờ hoa đỏ cả một vùng. Đặc biệt, các hoạt động này đã trở thành truyền thống của thôn từ những năm cuối thế kỷ 20.

Hai đội bóng có mặt tại trận chung kết giải đấu chào mừng Quốc khánh 2/9 tại thôn Cao Thắng.
Hai đội bóng có mặt tại trận chung kết giải đấu chào mừng Quốc khánh 2/9 tại thôn Cao Thắng.

Dưới tiếng hò reo cổ vũ của khán giả tại sân bóng, ông Nguyễn Văn Đàn – Bí thư Chi bộ thôn Cao Thắng cho biết: "Thôn Cao Thắng chúng tôi có 8 dân tộc anh em, trong đó chủ yếu là người Mường, Tày, Nùng. Mặc dù đã di cư được một thời gian dài nhưng bà con vẫn giữ nét văn hoá ăn Tết Độc lập. Cho nên, hàng năm cứ đến dịp 2/9, thôn sẽ tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao để người dân cùng tham gia. Điều này đã trở thành truyền thống từ năm 1996 đến nay".

Bà con tập trung cổ vũ cho các đội tham gia thi đấu.
Bà con tập trung cổ vũ cho các đội tham gia thi đấu.

Đúng ngày 2/9 diễn ra trận chung kết giữa hai đội bóng của tổ 4 và tổ 5. Sau khi kết thúc các hoạt động, các đội tham gia và người dân trong thôn sẽ có những bữa tiệc giao lưu, gắn kết tinh thần đoàn kết giữa xóm làng.

Chia sẻ với PV, ông Lục Văn Tuấn, trú thôn Cao Thắng cho biết: "Chúng tôi là người dân tộc phía Bắc, di cư vào đây trước những năm 2000 theo hình thức đi kinh tế mới. Được sự quan tâm của chính quyền, đặc biệt là sự giúp đỡ của xóm làng, đến nay gia đình chúng tôi đã có của ăn của để. Tôi cũng như bà con các dân tộc tại đây luôn luôn nhớ ơn Đảng và Nhà nước. Ngày 2/9 cũng là dịp chúng tôi tưởng nhớ tới công lao to lớn của thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập của dân tộc để ngày hôm nay chúng tôi được sống hạnh phúc trong hoà bình".