Tết Nguyên đán là ngày lễ truyền thống quan trọng của người dân Việt Nam. Tết là ngày đoàn viên, là mùa sum vầy của mọi người sau một năm vất vả mưu sinh. Vì thế, đây là những ngày con người ta dành nhiều tâm sức để làm sao có một cái Tết vui vẻ, đủ đầy và chu toàn nhất.
Tuy nhiên, cũng không phải vô duyên vô cớ mà vài năm gần đây, trên một số diễn đàn, báo chí đã bắt đầu xuất hiện ý kiến của một số nhà khoa học, nhà kinh tế đề xuất bỏ Tết cổ truyền, ăn Tết theo Dương lịch. Nghĩa là chỉ ăn Tết một ngày như các nước phương Tây!
Xin khoan hãy bàn là Tết Tây hay Tết ta, Tết nào văn minh hơn Tết nào. Nhưng những người nêu ý tưởng này không phải là không có nguyên do. Những ý kiến đề xuất ấy bắt đầu từ một thực tế đáng lo ngại gần đây. Đó là tình trạng vui Tết quá đà, dẫn đến hậu quả đáng tiếc, không chỉ cho bản thân mỗi người, mỗi nhà, mà còn gây nhiều hệ lụy cho xã hội, cho đất nước.
Tâm lý “Giàu ba ngày Tết, hết ba ngày Xuân”, khiến mọi người, nhất là giới trẻ ai cũng muốn “đã chơi là chơi hết mình, đã uống là không say không về!”. Ngay đợt nghỉ Tết Dương lịch 2018 mới đây, 67 người cũng đã thiệt mạng vì TNGT. Đó là những con số đau lòng sau các cuộc vui có tên “ăn Tết”. Trong đó, không thể không kể đến nguyên nhân từ bia, rượu. Một hệ lụy đáng lo ngại nữa là tình trạng vui chơi quá đà, rầy rà sang cả tháng Giêng. Sau Tết Nguyên đán là triền miên lễ hội. Ít thì vài ba ngày như Chợ Viềng, Lễ hội đền Trần, Hội Lim... Nhiều thì cả tháng như Lễ hội xuân Yên Tử, Đền bà Chúa Kho, thậm chí là vài tháng như Lễ hội Chùa Hương… Du xuân kết hợp lên chùa lễ Phật, vào đền cầu Thánh mong được nhiều tài lộc, cầu cho quốc thái dân an là điều tốt, nhưng cái gì quá đà, đều phản tác dụng, nhiều khi là sai phạm. Công chức lơ là công việc, đến cơ quan, “mắt trước mắt sau” đã đóng cửa kéo nhau đi hội. Chùa này đền nọ chỗ nào cũng chen nhau quỳ lạy sì sụp để cầu cạnh, xin xỏ; rồi tranh cướp nhau từng cành hoa, từng trái lộc, như thể càng “cướp” được nhiều thì càng nhiều may mắn cho mình. Ban Bí thư đã ra chỉ thị về việc tổ chức Tết. Thủ tướng Chính phủ trong nhiều cuộc họp gần đây liên tục yêu cầu về việc tổ chức Tết Mậu Tuất thực sự vui tươi, an toàn, tiết kiệm, chống lãng phí, không lợi dụng việc chúc Tết để biếu xén, hối lộ cấp trên; quan tâm đến các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người khó khăn yếu thế, làm sao để không ai không có Tết.
Mỗi bộ ngành, địa phương không được lơ là nhiệm vụ; đảm bảo giữ vững an ninh, an toàn biên cương Tổ quốc. Năm qua, cả nước đã hoàn thành rất nhiều mục tiêu phát triển, tuy nhiên kinh tế đất nước vẫn chưa hết khó khăn, chính vì thế đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị, DN tập trung thúc đẩy sản xuất ngay từ đầu năm, chung tay cùng Chính phủ thực hiện thắng lợi các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đã đề ra cho năm 2018.