Vun đắp hạnh phúc bền vững

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôn nhân có hạnh phúc, tràn ngập niềm vui, tiếng cười hay không phần lớn phụ thuộc vào thái độ “vun vén” của hai người. Những điều ấy khi nói ra, ai cũng bảo “biết rồi”, nhưng không ít người vẫn rơi vào đổ vỡ cũng chỉ bởi không thể thực thi được.

Thực tế cho thấy, thời gian yêu nhau ngắn hay dài không hề quyết định hạnh phúc. Có những mối tình kéo dài cả chục năm, nhưng sau hôn nhân, thời gian gắn bó vợ chồng lại chỉ tính bằng tháng. Một cô gái trẻ vừa bước ra khỏi cuộc hôn nhân ngắn đến không ngờ đã kể, yêu nhau từ khi còn học đại học, qua gần 10 năm bên nhau, nhưng khi cưới cả hai đều chẳng háo hức gì. Họ thấy nhiều điểm không hợp nhau nhưng lại tiếc thời gian yêu và ngại bắt đầu với người khác nên tặc lưỡi kết hôn. Rồi sau ngày cưới không lâu, cô dâu đã chẳng mấy náo nức với cuộc sống vợ chồng. Cô thấy ghét cái tính ghen bóng ghen gió của anh; anh thì cũng ngày càng không “vừa mắt” với cách cô vun vén cuộc sống gia đình. Và sau tình yêu dài, họ nhanh chóng bước ra khỏi cuộc hôn nhân.
 Ảnh mang tính chất minh họa.Nguồn: Internet.
Yêu vội, cưới gấp cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ đối với các cặp vợ chồng trẻ. Bên cạnh đó, quan niệm “tình dục trước hôn nhân” là chuyện đương nhiên cũng đẩy người trong cuộc đến nhàm chán, thiếu tôn trọng và thậm chí không định hướng được tình yêu sau khi đã “tỏ đường đi lối về”. Và sau một thời gian tìm hiểu, cảm thấy không hợp nhưng “đã lỡ” nên cưới cho xong. Đến khi cưới nhau, họ mới thực sự đứng trước sóng gió của đời sống lứa đôi. Một cặp đôi, chỉ sau vài ba lần gặp gỡ và nhận lời yêu, chính thức trở thành “của nhau” và đám cưới diễn ra sau đó chưa đầy 2 tháng, kết quả sau cùng cuộc hôn nhân ấy chỉ kéo dài thêm được 3 tháng. Trước cưới, họ tự nhủ, “hiểu nhau vừa vừa thôi về còn có cái mà tìm hiểu”. Nhưng có lẽ cũng vì nhanh quá, chưa hiểu gì về nhau, nên họ cũng không có cơ hội tìm hiểu tiếp, mà liên tục chỉ là những cuộc giận hờn, cãi vã, đặc biệt sau khi cái thai bị hỏng. Nhìn họ nhiều người lắc đầu ngao ngán, chỉ biết nếu cưới mà không thấu hiểu hết tình yêu thì chắc chắn hạnh phúc cũng sẽ không bao giờ bền vững. Tương lai vẫn đang còn là một dấu chấm hỏi với họ.

Thực tế đã chỉ ra rằng, sự bền vững trong tình yêu và hôn nhân được xây đắp từ sự đồng điệu của tâm hồn, tính cách, niềm tin và cả trách nhiệm của hai con người. Nếu những tiêu chí đó chưa đạt đến “độ chín”, tình yêu chưa thực sự sâu sắc thì hạnh phúc cũng sẽ dễ mất đi, dù có sự dàng buộc bằng từ giấy đăng ký kết hôn hay con cái. "Cưới rồi, tình yêu sẽ lớn dần hoặc bền vững cùng trách nhiệm và nghĩa vụ với gia đình”, không phải ai cũng đủ bình tĩnh và tự tin để làm được điều đó

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, tình yêu là người dẫn đường đến hôn nhân, nhưng nếu cưới nhau đơn giản chỉ vì yêu thì hoàn toàn chưa đủ. Bởi hôn nhân thực tế không phải chỉ trải hoa hồng. Quyết định đến với hôn nhân là một sự lựa chọn đòi hỏi mỗi người suy nghĩ thật thấu suốt về nhiều vấn đề để có sự hòa hợp, tin cậy lẫn nhau. Lần đầu tiên, các cặp vợ chồng trẻ cãi nhau, đó là lúc họ gặp khó khăn trong việc điều hòa các sở thích, nhu cầu và nguyện vọng. Đôi lúc họ có thể cãi nhau vì những chuyện không đâu. Họ có thể cãi nhau vì cơm áo gạo tiền hay vì sự có mặt của một người khác hoặc hình bóng cũ trong quá khứ... Có một nghìn lẻ một nguyên nhân dẫn đến việc cãi nhau giữa các đôi vợ chồng và đó cũng là một trong số những lý do dẫn tới sự tan vỡ, ly dị.

Bí quyết để xây dựng một cuộc hôn nhân thành công là không nên dễ dàng bỏ qua những sai lầm dù lớn hay nhỏ của bạn đời ngay từ thuở ban đầu. Khi có điều không vừa lòng, vợ chồng nên lựa lời khuyên bảo, nhắc nhở nhau thay vì im lặng chấp nhận. Chính điều này sẽ giúp cả hai có cơ hội nhận ra sai lầm của mình, biết cách khắc phục, tiến bộ để hòa hợp và tạo ra tiền đề vững chắc cho cuộc sống lứa đôi.

Trước khi nói lời chia tay, hãy phấn đấu hết mình, suy xét cụ thể vấn đề để có những giải pháp tích cực nhất. Mỗi khi có va chạm trong gia đình, hãy đừng nói hai chữ “ly hôn” một cách vội vàng và nhẹ nhàng như thế bởi vì nếu chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại biện pháp tiêu cực này, người nghe sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và bản thân chính chúng ta cũng bị ảnh hưởng nhất định khiến vết rạn nứt càng trở nên khó hàn gắn hơn.q