43 năm sau ngày thống nhất - Việt Nam đang tạo ra những thế và lực mới

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 43 năm sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Từ một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam hôm nay đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, vững tin hội nhập cùng thế giới và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Vững bước trên diện mạo mới

Như nhiều ý kiến nhận định, chưa bao giờ vị thế của đất nước lại lên cao như hiện nay, với những bước đi đĩnh đạc để hội nhập thế giới. Chúng ta hút được những xung lực tích cực về phía mình để giữ vững, bảo vệ chủ quyền và phát triển. Có thể nói rằng, sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục những triển vọng tốt đẹp.
 Một góc Thủ đô Hà Nội hôm nay. Ảnh: Phạm Hùng
Từ mốc son lịch sử dân tộc - năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những năm tháng khó khăn khi đất nước chuyển mình từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Điểm lại những thành quả của đất nước, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, sau hơn 30 năm đổi mới, tăng trưởng kinh tế luôn giữ ở mức rất cao, bình quân tăng trưởng 6,6%/ năm, có năm đạt trên 8,4%... Cùng với đó, những rào cản về pháp lý cũng dần được tháo gỡ, tạo mọi điều kiện cho các tầng lớp dân cư, thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh. Hiện cả nước đã có trên gần 700.000 DN, hơn 20.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong số đó có nhiều DN được xếp hạng trong khu vực và đang từng bước vươn ra thị trường nhiều nước trên thế giới...

Năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 có thể coi là một trong những năm đặc biệt nhất trong chặng đường đổi mới, khi nhiều kỷ lục đã được xác lập, như kim ngạch xuất nhập khẩu vượt ngưỡng 400 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36 tỷ USD, kỷ lục thành lập mới gần 127.000 DN… Đáng chú ý, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, thể hiện qua việc đã giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí; 13 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, trong đó có nhiều chỉ tiêu có tính chất cốt lõi, thường không hoàn thành được trong những năm trước đây.

"Việt Nam đã thực sự lớn mạnh, không còn là một nước nhỏ, kém phát triển mà hoàn toàn có thể tham gia những sân chơi mới của thế giới, vừa mở ra những tiềm năng phát triển cho đất nước, vừa đóng góp vào thịnh vượng chung của khu vực và thế giới”. - Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh

Việc tăng trưởng kinh tế đã cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, kết cấu hạ tầng phát triển nhanh. 43 năm sau ngày đất nước thống nhất, Việt Nam đã có nhiều đổi thay quan trọng với những công trình hiện đại liên tục mọc lên, mang đến cho đất nước một diện mạo mới, tầm vóc mới. Không chỉ ở đô thị, hơn 3.000 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với nhiều mô hình kiểu mẫu đã tạo ra bước tiến đáng tự hào cho mọi vùng miền. Rồi chính sự chuyển biến nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất, khai thác phát huy tối đa tiềm năng ruộng vườn… đã giúp tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn khoảng 6%, đời sống người dân thay đổi rõ rệt.

Đặc biệt, việc tăng cường kỷ luật hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, quyết liệt chỉ đạo, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ Nhân dân đã và đang tạo động lực mới cho phát triển. Và thành tựu quan trọng nhất trong năm qua, đó là niềm tin trong Nhân dân và cộng đồng DN vào đường lối của Đảng, Nhà nước và tương lai phát triển của đất nước được củng cố mạnh mẽ. Từ nền tảng này, sẽ khởi đầu của một chặng đường mới của đất nước, phát triển nhanh hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Đĩnh đạc hội nhập

Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, nếu tính từ dấu mốc Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, hơn 20 năm qua, trên tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, hiện chúng ta đã là thành viên chính thức của APEC, ASEM và WTO…; Đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu, có quan hệ kinh tế thương mại với hầu hết nền kinh tế trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ với trên 20.000 dự án. Có thể nói, tâm thế hội nhập đang có ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Các bộ, ngành đã tích cực và chủ động vào cuộc theo đúng tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị. Các chương trình xúc tiến đầu tư được tổ chức liên tục tại nhiều địa phương...

Nhìn nhận về thành công của Việt Nam, nhiều nhà phân tích có chung quan điểm: Việt Nam đang tạo ra những thế và lực mới. Và những năm gần đây, tiếp tục đánh dấu một giai đoạn quan trọng của tiến trình hội nhập với những hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang mở ra những cơ hội phát triển và hợp tác to lớn về thương mại, đầu tư, tăng trưởng kinh tế, cải cách thể chế. Cùng với đó, thành công của năm APEC 2017 cũng tạo được một niềm tin mới, một sức mạnh mới, khí thế mới cho hội nhập sâu rộng. Chỉ tính riêng trong Tuần lễ cấp cao APEC đã có 121 thỏa thuận được ký kết với tổng trị giá 20 tỷ USD.

Tự hào bởi những thành quả, nhưng khó khăn thách thức không phải đã hết. Nếu so sánh với trình độ phát triển của thế giới, của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhận định: Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48 và GDP đầu người xếp thứ 133. Chúng ta phải cố gắng rất nhiều để rút ngắn khoảng cách với thế giới.

Cùng với đó, các quốc gia đang tham gia ngày càng sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Xuất hiện nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, các định chế tài chính quốc tế, khu vực, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn, đó là những thách thức cần vượt qua. Để đáp ứng những yêu cầu về tâm thế hội nhập trong giai đoạn tiếp theo, Chính phủ cũng đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tháo gỡ khó khăn cho DN. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất hàng xuất khẩu, giải quyết được những vướng mắc trong phát triển nông nghệp… Và đồng thời, giải quyết được những vấn đề nổi cộm hiện nay như vấn nạn tham nhũng; tăng chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tạo khả năng cạnh tranh quốc tế. Đó là những việc quan trọng để Việt Nam không bị tụt lại phía sau.

43 năm sau ngày thống nhất đất nước, những thành quả của đất nước hôm nay chỉ là bước đầu, khó khăn, thách thức còn nhiều, nhưng đó là hành trang để tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, sáng tạo, hành động mạnh mẽ và quyết liệt, giúp đất nước vững bước hội nhập và phát triển hơn nữa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần