Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ có 15 đô thị vệ tinh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến sẽ có 15 đô thị vệ tinh được phát triển từ nay đến năm 2030 để tạo sự liên kết cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm các địa phương TPHCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang).

Các đô thị vệ tinh sắp được xây dựng gồm Nhơn Trạch, Long Thành, Tam Phước, Hiệp Phước, Củ Chi, Đức Hòa, Trảng Bom, An Lạc, Nhà Bè, Cần Giờ, Dĩ An-Thuận An, Tân An, Gò Công, Bến Lức, Cần Giuộc.

Những nội dung trên được nêu tại Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 12-2013 gắn với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 2-2014) dự kiến sẽ được UBND TPHCM công bố ngày 14/4 tới.

 
Dự kiến sẽ có 15 đô thị vệ tinh phát triển để tạo sự liên kết hệ thống đô thị cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Ảnh: Văn Nam
Dự kiến sẽ có 15 đô thị vệ tinh phát triển để tạo sự liên kết hệ thống đô thị cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Ảnh: Văn Nam
Theo quy hoạch được duyệt, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ hình thành theo hướng đa trung tâm nhằm tạo động lực để phát triển các vùng xung quanh, giảm áp lực cho khu vực trung tâm TPHCM.

Ngoài 15 đô thị vệ tinh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 sẽ hoàn thành khoảng 580 km đường bộ cao tốc, nâng cấp 80% đường giao thông nông thôn, hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Bắc – Nam và khu đầu mối TPHCM, xây dựng đường sắt kết nối với các cảng biển, khu kinh tế lớn.

Các trục cao tốc qua vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ bao gồm TPHCM – Long Thành – Dầu Giây; TPHCM – Thủ Dầu 1 – Chơn Thành; TPHCM – Trung Lương (mở rộng); Biên Hòa – Vũng Tàu; Bến Lức – Nhơn Trạch – Long Thành.

Dự kiến đến năm 2020, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ có dân số khoảng 21 – 22 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 65%. Tốc độ tăng trưởng GDP của vùng giai đoạn 2011 – 2015 đạt 8 – 8,5% mỗi năm và giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 8,5 – 9% mỗi năm.