Linh hoạt chọn "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến"Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Thích ứng với khó khăn của dịch bệnh, nhiều DN, nhất là DN tại các khu công nghiệp đã tổ chức lại sản xuất phù hợp với tình hình mới. Công ty TNHH Nippont Paint Việt Nam nằm tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) là một trong số đó.Trưởng phòng Nhân sự (Công ty TNHH Nippont Paint Việt Nam) Nguyễn Thuý Hà, cho biết, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, DN đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh “3 tại chỗ” theo hướng dẫn của UBND huyện Mê Linh. Hiện, toàn bộ công nhân của công ty đều đang ăn ở, ngủ nghỉ và sản xuất tại DN. 100% công nhân được test Covid-19 1 lần/tuần để phát hiện sớm nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh.
Công nhân làm việc tại Công ty CP công nghệ cao Thái Minh (Cụm công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai). Ảnh: Nguyễn Nga. |
Công ty TNHH Nippont Paint Việt Nam là một trong trong tổng số 278 DN đang duy trì hoạt động tại Khu công nghiệp Quang Minh. Tất cả các DN đều đã tổ chức lại sản xuất theo 1 trong 2 phương án: “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. Với việc huyện Mê Linh nới lỏng một số quy định, công nhân một số DN sinh sống tại 2 thị trấn: Quang Minh, Chi Đông thậm chí có thể về nhà hàng ngày khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất nhựa Việt Nhật Nguyễn Văn Thành cho biết, đơn vị đã được UBND huyện Thanh Oai hỗ trợ tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 cho hơn 1.000 cán bộ, nhân viên, công nhân.Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND và văn bản chỉ đạo của UBND huyện Thanh Oai, công ty đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Theo đó, vận hành dây chuyền sản xuất tăng 30% so với thời điểm giãn cách trước đó; đồng thời tiếp nhận người lao động trong, ngoài “vùng xanh” đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch.“Chúng tôi rất thận trọng trong việc tiếp nhận các công nhân ở các địa phương lân cận như Ứng Hòa, Mỹ Đức (chiếm khoảng 20% trong tổng số hơn 1.000 công nhân của công ty) quay lại làm việc. Do đó, cùng với hướng dẫn, hỗ trợ công nhân về thủ tục cấp giấy đi đường, công ty còn tiến hành xét nghiệm PCR thường xuyên cho họ” – ông Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh. Tại Cụm công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, hoạt động sản xuất của các DN cũng dần tấp nập trở lại. Giám đốc Công ty CP công nghệ cao Thái Minh Đỗ Việt Hà, cho biết khi huyện Quốc Oai thực hiện giãn cách xã hội, nhiều công nhân sinh sống trên địa bàn thuộc công ty phải tạm thời phải nghỉ việc. Sau khi có Chỉ thị số 20/CT-UBND, đến nay DN trở lại hoạt động bình thường. Đặc biệt, DN cũng được huyện tạo điều kiện không phải duy trì hoạt động “3 tại chỗ” như trước, do đó giảm thiểu được chi phí ăn, ở cho công nhân. Hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệpTheo thống kê, trên địa bàn huyện Thanh Oai hiện có 3 Cụm công nghiệp (CCN) gồm: CCN Thanh Oai, CCN Bích Hòa (thuộc xã Bích Hòa) và CCN Thanh Thùy (thuộc xã Thanh Thùy) với tổng số 128 DN, 5.786 công nhân. Trong số này có 76 DN đã tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh; còn 52 DN đang hoạt động với 1.662 lao động (chủ yếu là lao động tại địa phương). Nhằm tạo điều kiện cho các DN hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới, huyện Thanh Oai đã kiểm tra thực tế các DN trên địa bàn. Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, đa số các DN đều có ý thức tuân thủ các quy định, biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện tốt khuyến cáo 5K, giảm 1/2 số lượng người tham gia sản xuất tại xưởng. Đến thời điểm này, nhiều DN trong và ngoài CCN đã hoàn thành xây dựng phương án thực hiện “mục tiêu kép”, và trình UBND huyện phê duyệt để hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới.Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, địa phương đang rà soát lại tình hình hoạt động của các DN, cơ sở sản xuất để hỗ trợ và hướng dẫn các DN có nhu cầu hoạt động trở lại hoặc mở rộng quy mô xây dựng, bổ sung phương án phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở phương án phải bám sát theo tiêu chí, quy định của vùng 3. Theo đó, các DN chỉ được phép hoạt động trở lại khi được UBND huyện phê duyệt phương án phòng, chống dịch. Các phương án này phải cập nhật cho phù hợp với tình hình thực tế, gắn với các quy định về “vùng xanh” của TP. Cùng với đó, huyện cũng yêu cầu DN phải có biện pháp tiếp nhận người lao động trong, ngoài “vùng xanh” đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch.Trong khi đó, tại huyện Quốc Oai, hiện nay, 62 DN cơ bản đã xây dựng phương án và quay trở lại sản xuất bình thường. Trong đó có 80% lao động nằm trong “vùng xanh” (tương đương hơn 5.000 công nhân) không phải thực hiện “3 tại chỗ” như trước sau khi có Chỉ thị số 20/CT-UBND. Để tạo hỗ trợ cho công nhân tại các DN xin giấy đi đường, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn cấp giấy đi đường cho theo DN bằng hình thức online. DN sẽ tổng hợp danh sách, sau đó gửi lên UBND xã, thị trấn cấp giấy đi đường, tránh gây phiền hà, giảm bớt thủ tục hành chính và thời gian đi lại cho công nhân.Đối với các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, làng nghề truyền thống, huyện tạo điều kiện ký cam kết với UBND xã về đảm bảo công tác phòng dịch theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và thông điệp 5K phòng chống dịch, tổ chức phương thức “3 tại chỗ” đối với lao động là người ngoài địa phương. Đồng thời, giao cho UBND xã, thị trấn kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định. Kiên quyết đình chỉ, tạm dừng sản xuất đối với các cơ sở vi phạm quy định phòng chống dịch.Tại huyện Mê Linh, một loạt quy định mới cũng đã được địa phương ban hành nhằm tạo điều kiện để một số lĩnh vực kinh tế dần khôi phục hoạt động trong bối cảnh bình thường mới. “Nếu như trước đây, các DN trong khu công nghiệp chỉ có thể lựa chọn 1 trong 2 mô hình tổ chức sản xuất là “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”, thì nay huyện cho phép các đơn vị được áp dụng song song hai phương thức. Các DN cũng được yêu cầu tiến hành test nhanh Covid-19 đối với công nhân tối thiểu 1 lần/tuần để chủ động phát hiện nguy cơ lây nhiễm” – Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết.Riêng đối với phương thức “1 cung đường 2 điểm đến”, huyện Mê Linh linh động hơn khi công nhân được phép ở nhà thay vì phải ở tập trung tại một địa điểm do DN thuê. Công nhân các xã, thị trấn sẽ tập trung tại 1 – 2 điểm trên địa bàn sinh sống và DN bố trí xe đưa đón hàng ngày. Đặc biệt, công nhân đang sinh sống tại hai thị trấn Quang Minh và Chi Đông đang làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh được phép đi, về hàng ngày.
"Trên cơ sở tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, UBND huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, nới lỏng quy định để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các DN trên địa bàn huyện khôi phục, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Song phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các DN sản xuất trong và ngoài khu, cụm công nghiệp cũng cần xây dựng phương án sản xuất an toàn theo phương án số 162A/PA-UBND ngày 12/7/2021 của UBND TP Hà Nội tuân thủ quy định hiện hành." - Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương"Việc được quay trở lại nhịp sản xuất bình thường, giúp cho công ty đẩy mạnh được sản xuất, đáp ứng đơn đặt hàng đã ký kết trước đó. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, Công ty ký cam kết với huyện về việc thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng dịch. Công nhân khi đến công ty phải quét mã, khử khuẩn, giờ sinh hoạt cơm trưa cũng được công ty chia ca, để tránh tập trung đông người cùng một lúc." - Giám đốc Công ty CP công nghệ cao Thái Minh Đỗ Việt Hà |