Vươn xa bằng nội lực và sáng tạo

Vũ An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chia sẻ của bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) khi nói đến tham vọng đưa công ty vươn ra toàn cầu và trở thành một trong 50 tập đoàn sữa lớn nhất thế giới.

Làm việc cho Vinamilk trong 4 thập niên và là “thuyền trưởng” chèo lái Vinamilk 26 năm, hơn ai hết, bà Mai Kiều Liên hiểu rằng, thành công của công ty không phải nhờ “ăn may” mà xuất phát từ sự thấu hiểu khách hàng, đi lên từ nội lực và sáng tạo. Sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường, bà Mai Kiều Liên hiểu rằng, để bảo vệ chính mình và muốn vươn thật xa, không có gì khác ngoài việc phải trở thành chuyên gia ở tầm quốc tế. 
Từ khát vọng là chuyên gia trong nước…

Thực ra, để trở thành chuyên gia trong ngành sữa là một mục tiêu đầy tham vọng của Vinamilk, bởi ngành sữa của Việt Nam còn quá non trẻ trong khi thế giới đã đi trước hàng trăm năm. Thậm chí, ít người tin rằng Việt Nam sẽ có ngày xuất hiện trên bản đồ xuất khẩu sữa và các sản phẩm sữa toàn cầu bởi khi tiếp quản công ty năm 1976, Vinamilk chỉ có 3 nhà máy sản xuất sữa với công nghệ lạc lậu cùng doanh số rất khiêm tốn.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Độc lập hạng 3 (lần 2) tặng Vinamilk tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Công ty cho Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên.

Từ nhãn hàng duy nhất là sữa đặc Ông Thọ, đến nay Vinamilk đã chiếm lĩnh thị trường trong nước với khoảng 40% thị phần sữa bột trẻ em, 55% thị phần sữa nước, 85% thị phần sữa chua. Lý giải thành công này, bà Mai Kiều Liên cho rằng, đó là nhờ Vinamilk đã đặt ra tham vọng lớn nhất là phải chinh phục hoàn toàn thị trường nội địa, rồi mới nghĩ đến chuyện xuất khẩu. Với Vinamilk, chinh phục được người tiêu dùng trong nước là nhiệm vụ vô cùng khó khăn vì so với các nước, tất cả mọi điều kiện để có thể phát triển ngành sữa Việt Nam đều gần như không có những yếu tố thuận lợi.

Ngay cả khi bắt tay vào khôi phục Nhà máy sản xuất sữa bột Dielac năm 1987 và rất nhiều năm sau đó, lãnh đạo Vinamilk luôn trăn trở với bài toán thuyết phục người tiêu dùng tìm đến sản phẩm của mình. Trên hành trình tìm cách cạnh tranh với các sản phẩm sữa bột ngoại nhập, với tuổi đời của thương hiệu hàng mấy trăm năm ngay trên chính sân nhà, “bông hồng thép” của ngành sữa Việt quyết tâm phải thực hiện cho được mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm. Sau này, không chỉ có trẻ em có sản phẩm riêng biệt, mà cả người bệnh, người già đều có sản phẩm phù hợp. Đặc biệt, mọi sản phẩm Vinamilk đều dựa trên các nghiên cứu quốc tế, nhưng vẫn phù hợp với thể trạng người Việt Nam – điều mà không một tập đoàn sữa nào trên thế giới có thể am hiểu bằng các chuyên gia của Vinamilk. Chia sẻ về điều này, bà Mai Kiều Liên không hề giấu diếm niềm tự hào về những tâm huyết và công sức của từng thành viên Vinamilk để một sản phẩm từ lúc còn là ý tưởng trên giấy đến lúc xuất hiện trên tay của người tiêu dùng. “Với dòng sữa bột dành cho trẻ em, chúng tôi đã dành tới 5 năm nghiên cứu, khảo sát trên 50.000 trẻ em ở ba miền đất nước mới biết thể trạng của các em đang thiếu các vi chất gì để đưa ra hướng nghiên cứu, đưa ra sản phẩm hợp khẩu vị và đầy đủ chất dinh dưỡng như bao sản phẩm sữa ngoại nhập khác, nhưng giá thành chỉ bằng 50%” – bà Mai Kiều Liên cho biết. Nhờ sự bền bỉ, kiên trì, các sản phẩm của Vinamilk đã chinh phục được những bà mẹ nuôi con nhỏ, các em học sinh, người cao tuổi khó tính… và dần trở thành thương hiệu của mọi gia đình.

…đến tham vọng vươn tầm thế giới

Trong hành trình dài để nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước đạt chuẩn quốc tế, Vinamilk cũng từng bước thực hiện tham vọng có mặt trên bản đồ sữa toàn cầu. Năm 1998, khi chiến sự đang diễn ra tại Iraq, bà Mai Kiều Liên và cộng sự vẫn không từ bỏ cơ hội để đưa bằng được sản phẩm vào thị trường này. 300 tấn sản phẩm sữa bột và 2.000 tấn sữa béo nguyên kem vận chuyển sang Iraq năm 1998 là phát pháo mở đường cho các sản phẩm Vinamilk từng bước hiện diện tại 43 quốc gia suốt gần 20 năm qua. Thậm chí, ngay cả khi đã trở thành một nhà sản xuất “quen mặt” tại khu vực, Vinamilk vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Năm 2004, sản phẩm của Vinamilk đã phải dừng lại bên ngoài biên giới Iraq do những người có trách nhiệm mới ở quốc gia này muốn có sự thay đổi về nhiều lĩnh vực, trong đó có cả những quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, sau đó, “Vinamilk đã vượt qua khoảng 15 hãng sữa danh tiếng nhất thế giới để thắng thầu nhờ các yếu tố chất lượng sản phẩm, giá cả và thời gian giao hàng mọi lúc, mọi nơi" - bà Liên không giấu được niềm tự hào khi sản phẩm của Vinamilk tái hiện diện ở Iraq.

Đến nay, không chỉ Iraq mà cả khu vực Trung Đông là thị trường trọng điểm, chiếm tỷ lệ lớn trong doanh thu xuất khẩu nói riêng cũng như doanh thu chung của Vinamilk. Trong giai đoạn 2010 - 2015, doanh số của Vinamilk ở thị trường Trung Đông tăng trưởng khoảng 38%.

Sau khi xuất khẩu được trên 40 nước với kim ngạch từ 250 - 270 triệu USD/năm, Vinamilk mới tính đến chuyện đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, trước khi đầu tư, ban lãnh đạo Vinamilk đã phải nghiên cứu, tính toán rất kỹ bởi đầu tư ra nước ngoài là một canh bạc đầy mạo hiểm với nhiều rủi ro. Đây cũng chính là lý do Vinamilk lựa chọn phương thức đầu tư theo chiến lược lâu dài chứ không phải theo từng công ty hay từng quốc gia đơn lẻ. “Chúng tôi đầu tư vào nhà máy sản xuất sữa bột tại New Zealand vì đây là nguồn cung cấp sữa nguyên liệu cho toàn thế giới” – bà Mai Kiều Liên tiết lộ. Khi đã có nguồn cung ổn định, Vinamilk yên tâm hơn khi thực hiện những kế hoạch lớn trên quy mô toàn cầu. Việc mua lại Nhà máy Driftwood tại Mỹ đã khẳng định, một doanh nghiệp sữa Việt Nam cũng có đủ tiềm lực để hiện diện tại cường quốc sản xuất sữa của thế giới với những yêu cầu khắt khe nhất về chất lượng và môi trường cạnh tranh khắc nghiệt. Bà Mai Kiều Liên tin rằng, Driftwood là cầu nối để đưa sản phẩm sữa sản xuất tại Việt Nam vào Mỹ, đồng thời cũng thực hiện kế hoạch đưa các sản phẩm sữa chuyên biệt như sữa hữu cơ về Việt Nam khi điều kiện sản xuất trong nước chưa cho phép.

Tiến trình hội nhập toàn cầu của Vinamilk còn được thúc đẩy qua nhiều văn phòng, nhà máy tại nhiều quốc gia khác. Nếu như văn phòng của Vinamilk ở Ba Lan là một đầu mối để công ty vươn ra châu Âu trong thời gian tới thì nhà máy tại Campuchia đi vào sản xuất là kết quả của kế hoạch nhiều năm đưa sản phẩm vào thị trường này. Gần đây nhất, Vinamilk đã ra mắt các sản phẩm sữa chua ăn tại Thái Lan với khẩu vị, bao bì, tính năng và hình ảnh được người tiêu dùng Thái ưa chuộng.

Chia sẻ về phương hướng phát triển sắp tới, bà Mai Kiều Liên cho biết, “chúng tôi xác định châu Á là thị trường tập trung đầu tư mạnh của Vinamilk, tiếp tục củng cố sự hiện diện, và tập trung hơn nữa tại các thị trường quốc tế mới”. Vinamilk đặc biệt chú ý đến khu vực châu Phi với rất nhiều tiềm năng, bằng việc đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu thị trường để phù hợp văn hóa địa phương, tung các sản phẩm thế mạnh như sữa bột, bột dinh dưỡng…, mở rộng hệ thống phân phối và tăng độ nhận biết thương hiệu. Điều đó sẽ giúp thương hiệu Vinamilk giữ vững vị trí là một trong 50 tập đoàn sữa lớn nhất thế giới và ngày càng vươn xa trên quy mô toàn cầu.