Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo. |
Theo báo cáo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), hiện nay, các chủ đầu tư dự án nguồn điện thông thường đầu tư các công trình điện đấu nối đồng bộ với phạm vi đầu tư xây dựng nhà máy điện của doanh nghiệp trên cơ sở quy định thỏa thuận đấu nối và chủ đầu tư quản lý, vận hành không bàn giao tài sản cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)/Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) tiếp nhận quản lý vận hành. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp chủ đầu tư thực hiện đầu tư đường dây, trạm biến áp phục vụ đấu nối, sau đó bàn giao lại cho ngành điện quản lý.
Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, việc chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối, sau đó bàn giao lại cho ngành điện là chưa có cơ sở theo quy định. Gần đây nhất, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam đã có đề xuất về đầu tư dự án hạ tầng truyền tải, cam kết bàn giao cho EVN tiếp nhận đường dây truyền tải và trạm biến áp 500kV với giá 0 đồng, không hoàn trả chi phí.
Vị này cho biết thêm, đối với đầu tư lưới điện truyền tải phục vụ truyền tải chung của hệ thống điện quốc gia sẽ do ngành điện chịu trách nhiệm thực hiện đầu tư trên cơ sở danh mục các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phù hợp theo quy định Luật Điện lực và các quy định hướng dẫn Luật, đặc biệt là quy định về độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải... Đây chính là nguyên nhân mà nhà đầu tư tư nhân chưa thể tham gia đầu tư lưới điện truyền tải, mà chỉ thực hiện đầu tư hạ tầng lưới điện nhằm đấu nối nhà máy điện của mình lên hệ thống...
Đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo cho hay, do Luật Điện lực không quy định rõ “hoạt động truyền tải” có bao gồm cả hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải không, nên việc áp dụng Nghị định 63 để đầu tư theo PPP với lưới truyền tải là chưa có cơ sở. Vì vậy, để các nhà đầu tư ngoài EVN tham gia đầu tư xây dựng lưới truyền tải, quy định của Luật Điện lực về độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải cần phải được làm rõ”,.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Tân – thành viên hội đồng thành viên EVNNPT cho hay, tại điều 4 của Luật Điện lực hiện đang quy định “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải”. Tuy nhiên, không có quy định cụ thể về hoạt động truyền tải bao gồm những hoạt động nào... Như vậy, theo quy định của Luật Điện lực, hiện nhà nước vẫn độc quyền trong các khâu đầu tư và vận hành lưới điện truyền tải.
Đồng thời, hiện cũng chưa có một văn bản pháp luật nào định nghĩa, quy định cụ thể về Hệ thống điện truyền tải, cũng như chưa có định nghĩa và phân định rõ về phạm vi giữa hệ thống truyền tải điện trục chính, truyền tải điện liên vùng, lưới điện truyền tải phục vụ cung cấp điện và hệ thống truyền tải điện phục vụ đấu nối từ các nhà máy điện/cụm nhà máy điện tới điểm đấu nối vào hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, đa dạng hóa đầu tư lưới điện truyền tải sẽ có khả năng tạo cạnh tranh về dịch vụ và giá, đa dạng nguồn vốn... Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn tới phải sửa đổi luật, nghị định và các quy định pháp luật về truyền tải điện. Các doanh nghiệp tại hội thảo cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm đưa ra cơ sở pháp lý để phân định rõ trách nhiệm của nhà nước, tư nhân trong việc đầu tư lưới truyền tải điện, cùng với đó là tháo gỡ vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng, tiếp nhận tài sản bàn giao...