Đó là trao đổi của nhiều đại biểu tại hội thảo “Chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn” do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 9/5.
Khó nhân rộng
Là một trong 7 cơ sở bán nông sản thực phẩm an toàn của Hà Nội được Bộ NN&PTNT giới thiệu, song Công ty Thực phẩm BigGreen Việt Nam cũng đang gặp phải không ít trở ngại trong việc mở rộng thị phần kinh doanh. Hiện tại, công ty có 4 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm trên địa bàn Hà Nội với tổng sản lượng rau, quả an toàn kinh doanh khoảng 200 tấn/tháng. Ông Nguyễn Tiến Hưng – Giám đốc công ty chia sẻ, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh rau quả an toàn cần lượng vốn lớn và thời gian dài nên các DN khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn cũng như quỹ đất. Bên cạnh đó, rau quả Việt Nam lại đang bị hàng Trung Quốc cạnh tranh gay gắt về mẫu mã và giá cả.
Đại diện một số HTX tham gia sản xuất rau an toàn cũng cho hay, dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, tuy nhiên quy trình để chính sách tới tay người dân còn chậm và nhiều thủ tục. Thậm chí, có người phải bỏ tiền riêng của gia đình để đầu tư cho HTX. Không chỉ phía DN hay HTX, ngay cơ quan quản lý Nhà nước cũng đang gặp lúng túng khi triển khai xây dựng và nhân rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn. Ông Phạm Thế Cường - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sơn La giãi bày, danh mục thuốc bảo vệ thực vật mỗi ngày một dày lên khiến cho công tác quản lý, giám sát cũng như tư vấn cho người dân gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê, hiện cả nước có 35 tỉnh, TP đã có mô hình chuỗi với tổng số 280 chuỗi nông sản an toàn. Các sản phẩm chính của chuỗi là rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thủy sản. Hiện nay có 69 cơ sở bán sản phẩm đã được cơ quan chức năng xác nhận (có nhu cầu và tự nguyện). Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), một số chuỗi liên kết chưa chặt chẽ, chưa ổn định. Bên cạnh đó, khối lượng, chủng loại sản phẩm của mô hình chưa đủ không đáp ứng đủ yêu cầu tiêu thụ là một khó khăn cho việc gắn kết giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, kinh phí đầu tư phát triển sản xuất rau, quả, thịt cá an toàn còn ít nên khó mở rộng và duy trì mô hình sản xuất chuỗi sản phẩm an toàn.
Rút ngắn chuỗi cung ứng
Một thực tế hiện nay là giá bán nông sản thực phẩm theo chuỗi chưa đạt như mong muốn của người sản xuất. Chi phí cho việc bao bì, tem nhãn cao, trong khi giá bán chưa như mong đợi và người tiêu dùng khó phân biệt, chưa tin tưởng vào chất lượng đã khiến cho nhiều DN đắn đo khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này. Thêm vào đó, việc xác nhận sản phẩm kiểm soát theo chuỗi chưa có hướng dẫn cụ thể nên cơ quan chức năng còn chậm triển khai. Chính vì vậy, muốn nhân rộng được các mô hình chuỗi nông sản thực phẩm an toàn, trước mắt cần phải giải quyết được những khó khăn, vướng mắc nêu trên.
Ông Trần Mạnh Chiến – Giám đốc Công ty TNHH VinaGAP Việt Nam với chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch mang thương hiệu Bác Tôm cho rằng, cần phải loại bỏ bớt các khâu trung gian, rút ngắn chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn. Theo ông Chiến, hiện nay các chuỗi cung ứng truyền thống còn kéo dài nên có thể đáp ứng được về mặt sản lượng nhưng chất lượng thì còn nhiều vấn đề phải bàn. “Phải làm sao để người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng nhất và ngắn nhất với nông sản an toàn thì chuỗi mới mang lại hiệu quả” – ông Chiến chia sẻ.
Rõ ràng, để kiểm soát chặt chẽ chất lượng, ATTP đối với nông lâm thủy sản, việc triển khai mô hình chuỗi là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, nếu không có động thái kịp thời gỡ khó từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, việc nhân rộng các mô hình chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn sẽ còn ở tương lai rất xa. Lắng nghe ý kiến của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và địa phương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, tới đây, Bộ sẽ ban hành quy trình kiểm tra, chứng nhận và xác nhận sản phẩm an toàn theo tư duy quản lý chuỗi và cách tiếp cận theo Luật ATTP. Trong đó, trọng tâm là kết nối nông sản an toàn đã được cơ quan chức năng xác nhận tới tay người tiêu dùng.
Sản phẩm rau an toàn được bán tại Tuần lễ “Giới thiệu nông sản an toàn”. Ảnh: Quang Thiện
|
Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý an toàn thực phẩm Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP). Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với ngành hàng được phân công, quản lý chặt chẽ các vật tư liên quan đến ATTP, giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATTP. Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm về vi phạm tập thể, cá nhân, điều tra, xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ATTP theo quy định của pháp luật hình sự; UBND các cấp chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn; Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP của cơ quan Nhà nước cấp dưới; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Lãnh đạo các cấp từ xã đến tỉnh phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn. (Hải Lan) Thời gian tới, Cục đề xuất triển khai hỗ trợ nhận diện rõ trên thị trường về sản phẩm từ chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn với sản phẩm khác. Đồng thời, ban hành chính sách cụ thể triển khai mô hình chuỗi và hỗ trợ thiết lập các liên kết sản xuất (tổ hợp tác, HTX …), kết nối sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản
Để xây dựng được thương hiệu cho nông sản và chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn phải hình thành văn hóa kỷ luật. Trong đó tuyên truyền cho người nông dân nghiêm túc duy trì thực hành quy trình sản xuất an toàn cũng như hợp đồng đã ký kết với cơ sở tiêu thụ với giá cả theo thỏa thuận, không tự ý bán ra ngoài khi giá cao hơn hợp đồng đã ký. Ông Phạm Thế Cường - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sơn La |