Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Vượt bão" chứng khoán

Nguyễn Bích Ngọc - nhà đầu tư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày cuối năm, ngồi nhâm nhi ly cà phê nóng hổi giữa cái rét ngọt của Hà Nội, chúng tôi lại rộn ràng với câu chuyện buồn vui lỗ lãi danh mục, những hồi hộp khi thị trường “đang tím bỗng chuyển xanh dương”.

Từ đỉnh cao đến vực sâu

Gần 15 năm tham gia thị trường chứng khoán, tôi trải qua không ít giai đoạn thăng trầm, hưng phấn của thị trường và cả những lúc chao đảo. Năm 2007, VN-Index liên tiếp chinh phục những mốc mới, đến giữa tháng 3/2007 thì chạm đỉnh, gần 1.171 điểm. Thị trường sôi động vô cùng, nhà nhà, người người bàn luận sôi nổi về chứng khoán, dân văn phòng khi đó còn kéo nhau lên sàn ngồi theo dõi thị trường.

Tôi với tuổi trẻ đầy bồng bột và thích mạo hiểm cũng như nhiều nhà đầu tư khi đó đang đứng ngoài thị trường hào hứng, nghe ngóng rồi muốn nhanh chóng làm giàu từ bảng điện.

"Vượt bão" chứng khoán  - Ảnh 1

Cuối năm 2007, theo chân đám bạn đang “đánh chứng” lên phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội) để mở tài khoản, tham gia nhiều đội nhóm để được “phím hàng” dù chưa biết phân tích hay đánh giá, nhận định thị trường. Khi đó, thị trường OTC sôi động hơn cả, cứ mua là thắng, từ dân văn phòng tới bà bán nước chè đâu đâu cũng khoe lãi kiếm được từ chứng khoán. Tôi hứng khởi và lao vào như thiêu thân vì nghĩ thị trường sẽ chỉ có tăng trong sự kỳ vọng của nhà đầu tư mà thôi.

Suy nghĩ của tôi cũng là tâm lý chung của số đông nhà đầu tư khi đó. Đó là đầu tư vì tò mò, mong muốn kiếm tiền nhanh và thấy nhiều người giàu lên nhanh chóng vì chứng khoán nên cũng muốn thử vận may mà không hề học hành, nghiên cứu kỹ về thị trường này.

Tuy nhiên, niềm vui của những nhà đầu tư non trẻ như tôi không kéo dài quá lâu. Thị trường thoát đỉnh kỷ lục bằng những phiên giảm sâu và dài khi bước qua năm 2008. Tới giữa tháng 6/2008, tôi và rất nhiều bạn bè vẫn kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi, chấm dứt những chuỗi ngày giảm điểm để “về bờ”. Tôi được các anh chị trong các hội nhóm hô mua vào, “bắt đáy” nhưng thật ra cả nhóm khi đó đã “bắt dao rơi” mà không hay, sự sụt giảm kéo dài những chuỗi ngày không dừng lại.

Năm 2008 từng trở thành năm đầy sóng gió và khốc liệt của thị trường chứng khoán. Cuối năm, chỉ số VN-Index giảm hơn 605 điểm (-65%) so với phiên đầu năm, xuống chỉ còn hơn 315.

Tháng 2/2009, VN-Index chỉ xấp xỉ 236 điểm. Trước bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu, Chính phủ khi đó tung gói cứu trợ, kích cầu kinh tế, phần nào "xoa dịu" thị trường,
VN-Index ngoi lên trên 494 điểm.

“Quản trị” lòng tham khi đầu tư

Gần đây nhất, cuối năm 2021 tới tháng 11/2022, tôi lại một lần nữa chứng kiến giai đoạn khốc liệt, ảm đạm của thị trường chứng khoán. Nhiều người mới đầu tư (F0) của những năm 2020, 2021 cũng đã từng được trải qua cảm giác “mua là thắng”, một lớp nhà đầu tư giàu lên nhanh chóng từ chứng khoán, nhưng tôi tin vừa rồi rất nhiều trong số đó phải trả lại hết cho thị trường.

Đầu tư chứng khoán cũng giống lái xe ra đường, đầy rủi ro và nhiều tình huống không thể lường trước được. Vì thế, sau nhiều lần vấp ngã và chứng kiến những giai đoạn thăng trầm của thị trường chứng khoán, tôi nghĩ mọi nhà đầu tư cần xác định rõ mục đích và mong muốn của bản thân trước khi bước chân vào thị trường.

Tham gia chứng khoán thì chỉ nên sử dụng tiền nhàn rỗi của mình chứ không cắm nhà, đất vào ngân hàng để lấy vốn đầu tư. Cần chuẩn bị kiến thức cơ bản (học nghiêm túc, nghiên cứu, phân tích kỹ) và luôn thận trọng trước khi quyết định đầu tư mua - bán cổ phiếu của DN. Nếu chưa có kinh nghiệm thì nên tham gia ban đầu với số lượng vốn vừa đủ, dần dần có kinh nghiệm kiến thức rồi mới tăng vốn. Tuyệt đối tránh dùng đòn bẩy, chơi Margin khi chưa thật sự hiểu biết, khi không có kinh nghiệm nhận định về thị trường; không chơi margin khi không quản trị được lòng tham của bản thân. Bởi đó là con dao hai lưỡi.

Số liệu mới nhất từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, tính đến cuối tháng 11/2022, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt hơn 6,74 triệu tài khoản, tương đương khoảng 6,7% dân số. Lũy kế 11 tháng năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới gần 2,5 triệu tài khoản chứng khoán, vượt xa con số của cả 4 năm 2018, 2019, 2020 và 2021 cộng lại.

Như vậy, có thể thấy, dù có bối rối, hốt hoảng thì chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn. Thậm chí, trong những giai đoạn nhà đầu tư Việt ồ ạt bán ra theo tâm lý thì khối ngoại đã nhanh chóng nhảy vào “bắt dao rơi”. Thời điểm 30/11/2022, nhà đầu tư nước ngoài có tổng cộng 42.458 tài khoản. Khối ngoại đẩy mạnh mua vào trong tháng 11, với tổng giá trị mua ròng đạt 16.900 tỷ đồng trên 3 sàn, mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 5/2018 (tăng 22.800 tỷ đồng).

Tất nhiên, việc khối ngoại mua vào có phải là một chỉ báo cho nhà đầu tư “lên tàu” theo hay không thì còn phải nghĩ. Vì thực tế, rất nhiều quỹ ngoại đầu tư chuyên nghiệp vẫn lỗ nặng với chứng khoán. Tuy nhiên, đó là quy luật của đầu tư, có rủi ro và chấp nhận rủi ro. Nhưng đây cũng là một tín hiệu mừng cho thấy, chứng khoán Việt dù lên đỉnh, xuống đáy thì vẫn là thị trường hấp dẫn nhà đầu tư.

15 năm đầu tư và cả đầu cơ chứng khoán, tôi nhận ra, điều quan trọng nhất là một tinh thần lạc quan, tích cực và chấp nhận rủi ro khi đầu tư là cần thiết để biết ra vào đúng lúc. Trước khi mua bất kỳ cổ phiếu nào, tôi đều đánh giá mức độ rủi ro của cổ phiếu đó dựa trên giá trị thị trường, tình hình tài chính của công ty đó và độ biến động của cổ phiếu.