Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vượt khó, xuất khẩu dệt may sẽ cán đích 39 tỷ USD

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất khẩu dệt may năm 2021 ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.

Đó là nội dung được Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm cho biết tại cuộc họp báo tổ chức sáng 7/12, tại Hà Nội, thông tin về Hội nghị tổng kết 2021 được tổ chức vào ngày 17/12 tới.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Khắc Kiên
Theo ông Trương Văn Cẩm, tuy dồi dào đơn hàng nhưng doanh nghiệp dệt may vẫn bộn bề nỗi lo tạo đà để dệt may đạt mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đặc biệt trong quý III, nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã vượt lên khó khăn duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021, ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.
Đây có thể xem là một nỗ lực lớn của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Chia sẻ về các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp dệt may trong năm 2021, ông Trương Văn Cẩm cho hay: Trước những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ cho dịch Covid-19 gây ra, hiệp hội đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu; kết nối các doanh nghiệp với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, tranh thủ chuyên gia, kinh nghiệm, kinh phí để mở các lớp đào tạo về kỹ thuật, thiết kế, bán hàng, xây dựng thương hiệu…
“Đặc biệt, hiệp hội đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước để phán ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm…” - ông Trương Văn Cẩm nhần mạnh. Đồng thời cho biết, VITAS tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, tham gia các đoàn đàm phán của Chính phủ về các hiệp định thương mại tự do.
Dây chuyền sản xuất của Tổng Công ty May 10. Ảnh: Thanh Hải
Về triển vọng của ngành dệt may trong năm 2022, ông Trương Văn Cẩm cho rằng, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diến biến rất phức tạp, khó lường. Song tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, liên minh châu Âu… đã mở cửa trở lại; Việt Nam đã thay đổi chính sách từ zero Covid-19 sang vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 128/NQ-CP; nhiều doanh nghiệp của ngành đã có đơn hàng đến quý II-2022.
Theo đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã xây dựng mục tiêu cho năm 2022 theo 3 kịch bản: Kịch bản tích cực nhất phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5 - 43,5 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022; Kịch bản trung bình đạt 40 - 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm; Kịch bản thấp nhất đạt 38-39 tỷ USD, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022.
Tại họp báo, Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin về Hội nghị tổng kết 2021 được tổ chức ngày 17//12/2021 dưới 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Sự kiện nhằm nhìn nhận, đánh giá các hoạt động của ngành và của hiệp hội trong năm 2021, chỉ ra các công việc và giải pháp cần thiết mà doanh nghiệp hội viên và hiệp hội cần tập trung thực hiện trong chiến lược phát triển của ngành giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn tới năm 2030.
Trong khuôn khổ hội nghị tổng kết, cũng sẽ diễn ra hội thảo xoay quanh tác động của đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 đến doanh nghiệp và người lao động dệt may; biến đổi khí hậu trong ngành thời trang; thương mại bền vững; chuyển đổi xanh ngành dệt nhuộm; thị trường dệt may thế giới, xu thế tiêu thụ, chuyển dịch sản xuất, thời trang trong bối cảnh dịch Covid-19…

VITAS đã và đang thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiep trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may như ITMF, AFTEX, AFF…, kết nối các doanh nghiệpvới nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, tranh thủ chuyên gia, kinh nghiệm, kinh phí để mở các lớp đào tạo về kỹ thuật, thiết kế, bán hàng, xây dựng thương hiệu… 

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm