70 năm giải phóng Thủ đô

Vượt qua “bức tường vô hình”

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ các nhà khoa học nữ miệt mài “chiến đấu” với virus, đến những nữ y bác sĩ không quản ngại khó khăn trên tuyến đầu chống dịch, và cả hàng nghìn người mẹ, người chị nơi hậu phương ngày đêm sát cánh phòng dịch, chăm lo đời sống người dân… Những hình ảnh quen thuộc ấy thời gian qua càng tôn vinh vai trò, vị trí quan trọng của phụ nữ trong đời sống xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa nữ đại biểu nhân gặp mặt đại diện các tầng lớp phụ nữ ngày 19/10.
Dù vẫn được gọi là “phái yếu” song phụ nữ không chỉ là điểm tựa tinh thần vững chắc, chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc mà còn khẳng định vai trò trong mọi lĩnh vực. Nếu “bông hồng vàng” tượng trưng cho sự thành công của người phụ nữ, dù là lớn lao hay nhỏ bé, nhìn vào thực tế đời sống có thể thấy những bông hồng đó đang nở rực rỡ. Đặc biệt, tài năng, nghị lực, sức sáng tạo của phụ nữ ngày càng phát huy, làm nên giá trị cuộc sống và những thay đổi tích cực trong cộng đồng xã hội. Từ nhà nữ chính trị xuất sắc, doanh nhân thành đạt, nhà khoa học có tên tuổi đến những bông hoa thầm lặng làm nhiều việc tốt, việc thiện… đã làm rút ngắn khoảng cách bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ.
Trong những giai đoạn khó khăn bởi đại dịch, vai trò của "phái yếu" lại càng được tô đậm và thể hiện mạnh mẽ. Rất nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả, mạng đậm dấu ấn của phụ nữ đã góp phần nhân thêm niềm tin, lan tỏa hành động đẹp trong cộng đồng... Các DN do phụ nữ làm chủ đã không ngừng đổi mới sáng tạo, sẵn sàng tâm thế và kịp thời hành động để bứt phá vượt qua đại dịch, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng chính phụ nữ vượt qua thách thức.

Việc tiếp thêm động lực cho phụ nữ Việt Nam tiếp tục cống hiến, theo đuổi những ước mơ và giá trị cuộc sống sẽ tạo thêm nên những thay đổi tích cực trong cộng đồng. Nhưng song song với đó, áp lực cuộc sống với phụ nữ cũng nhiều hơn. Nhìn rộng ra toàn xã hội, những sự bất công với phụ nữ không phải đã hết khi những vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái liên tục xảy ra cũng gây bức xúc trong dư luận. Bức tường vô hình với bản chất là định kiến giới vẫn còn hiện diện cả trong gia đình và xã hội. Đại dịch cũng tạo thêm những rào cản mới, làm trầm trọng thêm bất bình đẳng về kinh tế - xã hội. Từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua, đã tác động mạnh mẽ đến việc làm, sinh kế của lao động nữ, nhất là lao động trung niên, làm những công việc không ổn định, khiến thu nhập bình quân hàng tháng giảm mạnh, thậm chí nhiều người còn rơi vào khó khăn.

Để tiếp tục vươn lên, khẳng định vị thế của mình, bản thân phụ nữ phải cố gắng, đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ, nhận định đó hoàn toàn đúng đắn. Nhưng để hỗ trợ, lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu; lấy sự hài lòng của phụ nữ làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động, chính Hội LHPN các cấp cũng cần tiếp tục mở rộng vai trò, hướng tới nhiều đối tượng phụ nữ hơn. Trước mắt là phát huy được nội lực, vai trò chủ thể của phụ nữ trong khôi phục kinh tế ngay từ gia đình. Đồng thời khai thác, vận động mọi nguồn lực xã hội để kịp thời hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài của phụ nữ, đặc biệt những nhóm phụ nữ bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Từ những thành quả đã có, với các chính sách hỗ trợ phụ nữ đã và đang đi vào cuộc sống, hy vọng rằng, cùng tinh thần, thông điệp được phát đi trong dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 sẽ giúp xóa bỏ hoàn toàn “bức tường vô hình” về định kiến giới còn rơi rớt. Từ đó, thúc đẩy hơn những cơ hội để người phụ nữ tiếp tục phát huy thế mạnh, khẳng định bản thân và trở thành những người phụ nữ hiện đại, có trí tuệ, kiến thức, khả năng hội nhập, chủ động, bản lĩnh...