Vượt qua mức đỉnh 7 năm, giá xăng dầu tiếp đà leo dốc

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vượt qua mức đỉnh 7 năm, hàng loạt dữ liệu trong đó quyết định không tăng sản lượng khai thác của OPEC+ là nguyên nhân khiến giá xăng dầu tiếp đà tăng.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đến đầu giờ sáng 6/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2021 đứng ở mức 79,05 USD/thùng, tăng 0,12 USD/thùng trong phiên. Nếu so với cùng thời điểm ngày 5/10, giá dầu WTI đã tăng tới 1,24 USD/Ounce.
Còn giá dầu Brent giao tháng 12/2021 đứng ở mức 82,64 USD/thùng, tăng 0,08 USD/thùng trong phiên và đã tăng tới 1,2 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 5/10.
Ảnh minh họa.
Các chuyên gia nhìn nhận, lấn át những lo ngại về mặt trái của cuộc khủng hoảng thiếu hụt năng lượng đang diễn ra tại nhiều nền kinh tế lớn như châu Âu, Trung Quốc và Mỹ, giá dầu tiếp đà leo đỉnh trong bối cảnh thị trường dầu thô ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ phía cầu.
Tại châu Âu, các số liệu vừa được công bố cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) hỗn hợp của Markit khu vực EU tháng 9 ở mức 56,2 điểm, tốt hơn dự báo của Investing là 56,1; Chỉ số PMI dịch vụ khu vực EU tháng 9 ở mức 56,4 điểm, tốt hơn dự báo của Investing là 56,3; Chỉ số giá sản xuất PPI tháng 8 chỉ tăng 1,1% so với cùng kì tháng trước, và tăng 13,4% so với cùng kì năm ngoái.
Tại Mỹ, báo cáo từ Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) cho thấy, chỉ số PMI ngành sản xuất tháng 9 tăng từ 61,9%, từ mức 61,7% trong tháng 8, cao hơn 2 điểm so với dự báo.
Nền kinh tế số 1 thế giới đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại nhưng nhiều chuyên gia tin rằng trong dài hạn, triển vọng vẫn tốt.
Về phía cung, sau cuộc họp chính sách ngày 4/10, OPEC+ đã quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày cho tới ít nhất tháng 4/2022, bất chấp lời kêu gọi từ một số quốc gia như Mỹ, Ấn Độ.
Giới đầu tư tin rằng, tốc độ tăng sản lượng này của OPEC+ là không đủ để đáp ứng nhu sự gia tăng các nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Nhu cầu dầu thô được dự báo sẽ tăng mạnh khi các nước nhập khẩu dầu thô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ trở lại thị trường sâu khi xả mạnh các kho dự trữ nhằm giảm thiểu tác động của giá dầu tăng cao.
Theo khảo sát của Reuters, trong tháng 9/2021, 13 nước thành viên OPEC đã bơm trung bình 27,31 triệu thùng/ngày ra thị trường, tăng 420.000 thùng so với tháng 8/2021 và là mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Công suất khai thác dầu ở Vịnh Mexico cũng được khôi phục ở mức 82% và đây được xem là nguyên nhân đẩy tồn kho dầu của Mỹ tăng 4,6 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 24/9, lên mức 418,5 triệu thùng.
Số lượng giàn khoan dầu thô đang hoạt động tại Mỹ tiếp tục tăng con số 10, lên 421 giàn trong tuần kết thúc ngày 24/9, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ 2020.
Hiện nhu cầu dầu thô toàn cầu đang thấp hơn khoảng 4 triệu thùng/ngày so với trước đại dịch nhưng nhiều dự báo tin rằng, con số này sẽ sớm được lấp đầy bởi nhu cầu dầu thô đang tăng cao khi các nước đẩy mạnh nhập khẩu để giải quyết bài toán thiếu hụt năng lượng hiện nay.