Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vượt sông tranh tài cùng 150 tay chèo tại hội bơi Đăm 2018

Tin, ảnh: Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ hội bơi Đăm 2018 diễn ra trong 3 ngày, từ 24 - 26/4/2018 (9 - 11/3 Âm lịch) với cuộc đua của những đội thuyền tranh tài suốt 3 ngày cùng sự cổ vũ cuồng nhiệt của hàng vạn người dân địa phương và du khách.

Được tổ chức 5 năm một lần, hội bơi Đăm (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một trong những lễ hội còn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đất Thăng Long xưa. Năm nay, Tây Tựu mở Hội bơi Đăm để tiếng trống hội cùng tiếng hát ca đón bằng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
 5 năm một lần, du khách gần xa lại nô nức về Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dự lễ hội bơi Đăm.
Cuộc đua thuyền diễn ra trên khúc sông Thủy Giang (sông Pheo) chảy qua làng với sự tham gia của 150 tay chèo, 6 thuyền đua thuộc 3 thôn: Thượng, Trung, Hạ (mỗi thôn 2 thuyền) được đánh số thứ tự và phân biệt theo hình con linh vật ở mũi thuyền. Thuyền của thôn Thượng có mũi thuyền đầu con Hạc, thuyền thôn Trung con Long, thuyền thôn Hạ con Ly. Trang phục đội bơi từng thôn cũng khác nhau ở màu sắc. Mỗi thuyền bơi được chuẩn bị kỹ lưỡng từ cách chằng buộc mái chèo, buộc đầu rồng, kiểm tra khe hở...Trên mỗi thuyền, có 25 người gồm một lái chính, một lái phụ... Ngoài các tay bơi, trên thuyền còn có người phất cờ, người gõ lệnh, người gõ mõ, người múc nước, người cầm sào. Người đánh mõ có vai trò quan trọng khi thực hiện các động tác uyển chuyển, hò dô tiếp thêm sức cho tay chèo.
 
Ngoài ra, còn có thêm thuyền thứ 7 gọi là thuyền Quan làm nhiệm vụ giám sát cuộc đua. Quãng đường mà các đội thuyền đua phải thực hiện là 2.000 mét, bắt đầu từ miếu Tây Đăm vòng qua cột cờ rồi bơi ngược về nhà Thủy Tọa.
Kết thúc hội thi, giải Nhất thuộc về các trai bơi của miền Trung (áo vàng), giải Nhì là miền Thượng (áo đỏ), giải Ba là miền Hạ (áo xanh). Thuyền giải Nhất vinh dự chở ngai Thánh từ Thủy tọa về miếu Thượng.
Đến với hội bơi Đăm, du khách còn hiểu thêm về truyền thuyết dân gian gắn với lịch sử đấu tranh của dân tộc, về một hội bơi chải mang tinh thần thượng võ, quyết liệt như một buổi luyện quân với những kỹ năng điêu luyện như cách búng thuyền, dóc thuyền, lạng thuyền, vuốt góc. Đây là dịp để Nhân dân ôn lại những truyền thống quê hương, từ đó càng có ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị những di sản văn hóa truyền thống, góp phần quảng bá hình ảnh phát triển du lịch, thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương.
Một số hình ảnh tại hội bơi Đăm 2018:
 Hội bơi Đăm diễn ra trong 3 ngày 9,10,11 tháng 3 Âm lịch.

 Cuộc đua thuyền diễn ra trên khúc sông Thủy Giang chảy qua làng với sự tham gia của 150 tay chèo, 6 thuyền đua thuộc 3 thôn: Thượng, Trung, Hạ.
 Các trai bơi do 12 Tổ dân phố của 3 miền cử ra được tuyển chọn hết sức cẩn thận.
 Trên mỗi thuyền, có 25 người gồm một lái chính, một lái phụ...
 Ngoài các tay bơi, trên thuyền còn có người phất cờ, người gõ lệnh, người gõ mõ, người múc nước, người cầm sào.
 

Người đánh mõ có vai trò quan trọng khi thực hiện các động tác uyển chuyển, hò dô tiếp thêm sức cho tay chèo.

 Quãng đường mà các đội thuyền đua phải vượt qua là 2.000m, bắt đầu từ miếu Tây Đăm vòng qua cột cờ rồi bơi ngược về nhà Thủy Tọa.

 Khán giả đứng, ngồi đông đúc hai bên bờ sông để theo dõi cuộc đua.
 

Mỗi thôn (miền) tham dự đều có nhóm cổ động viên hùng hậu, cổ vũ cuồng nhiệt cho đội nhà.