Vượt suối, băng rừng thả động vật hoang dã

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơn mưa lớn như trút nước cũng không ngăn được lòng quyết tâm và những bước chân tất bật của đoàn cán bộ, nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đưa 169 cá thể động vật hoang dã trở về với thiên nhiên.

Không quản ngại đêm ngày, mưa nắng

Dù đã lên kế hoạch từ trước với sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng từ con người, phương tiện, dụng cụ, phương thức thả… để đảm bảo cho động vật hoang dã (ĐVHD) được tái thả về tự nhiên an toàn, song yếu tố thời tiết quả là bất khả kháng. Tới sát ngày tái thả, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, Hà Nội có mưa lớn bắt đầu từ chiều 10/8 kéo dài liên tục đến hết ngày 12/8.

Cơn mưa lớn khiến chuyến tái thả động vật hoang dã về rừng đặc dụng Hương Sơn ngày 12/8 thêm phần vất vả. Ảnh: Ngọc Thành
Cơn mưa lớn khiến chuyến tái thả động vật hoang dã về rừng đặc dụng Hương Sơn ngày 12/8 thêm phần vất vả. Ảnh: Ngọc Thành

Sáng sớm ngày 12/8, mưa lớn đỉnh điểm đã khiến nhiều tuyến đường, khu vực của Hà Nội (cả nội thành và ngoại thành) bị ngập úng cục bộ. Tuy nhiên, với sự quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao, đoàn cán bộ, nhân viên Trung tâm Cứu hộ ĐVHD vẫn tổ chức tái thả 169 cá thể ĐVHD gồm 5 loài: Rắn hổ chúa, mèo rừng, khướu bạc má, chim di đá và sáo đá về với rừng đặc dụng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) đúng theo kế hoạch.

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng cho biết, từ 4 giờ sáng ông và các cán bộ, nhân viên Trung tâm đã sửa soạn hành lý, phân loại, di chuyển các cá thể ĐVHD từ chuồng cứu hộ vào lồng, bao tải chuyên dụng (đối với rắn hổ chúa) để sẵn sàng cho chặng đường 100 km từ Sóc Sơn về Mỹ Đức.

Để đảm bảo an toàn, các loài ĐVHD được chở trên ô tô chuyên dụng riêng của Trung tâm. Các cá thể này đều là tang vật của những vụ án buôn bán ĐVHD trái phép trên địa bàn các tỉnh phía Bắc mà Trung tâm tiếp nhận cứu hộ từ lực lượng công an từ tháng 12/2021 đến tháng 7/2022. Trong số này, có khướu bạc má và mèo rừng là 2 loài động vật nguy cấp thuộc nhóm IIB (Nghị định 84/2021/NĐ-CP); rắn hổ chúa thuộc phụ lục I (Nghị định 64/2019/NĐ-CP).

Chim khướu bạc má - loài động vật nguy cấp thuộc nhóm IIB (Nghị định 84/2021/NĐ-CP) được thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: Ngọc Ánh
Chim khướu bạc má - loài động vật nguy cấp thuộc nhóm IIB (Nghị định 84/2021/NĐ-CP) được thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: Ngọc Ánh

Hơn 8 giờ sáng, đoàn đã có mặt ở ở bến đò suối Yến (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức). Trời vẫn mưa lớn khiến cả đoàn ai nấy đều sốt ruột và mong mỏi trời sẽ ngớt mưa để tái thả ĐVHD thuận lợi. Khoảng 9 giờ sáng, khi thấy mưa khó có khả năng tạnh trong buổi sáng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương (trưởng đoàn) đã quyết định thực hiện tái thả khẩn trương, đúng quy trình. Vậy là mọi người bắt tay ngay vào việc mặc đồ bảo hộ, gang tay, áo mưa, mang dép sẵn sàng vượt suối, băng rừng.

Cẩn trọng và trách nhiệm

Tính toán khung thời gian, nhân lực và điều kiện thời tiết mưa lớn, dòng nước suối Yến lên cao, đoàn đã chia làm hai nhóm (nhóm 1 thả các cá thể chim và nhóm 2 thả các cá thể rắn hổ chúa, mèo rừng) trên 2 chiếc xuồng máy di chuyển nhanh chóng vào các địa điểm thả ĐVHD.

Khi xuống tới bến Trò (điểm dừng chân lên chùa Thiên trù), do nước trong núi đá, rừng chảy ra mạnh, ngập sâu quá đầu gối, di chuyển lên khu vực sân chùa Thiên Trù sẽ thiếu an toàn, trưởng nhóm 1 quyết định thả các cá thể chim tại khu vực nhà bia Thiên Trù. Tại đây có rất nhiều cây gỗ lớn, tán rộng, cao là điểm thích hợp để chim tìm nơi trú ngụ.

Cán bộ Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội thận trọng thao tác thả rắn hổ chúa. Ảnh: Ngọc Thành
Cán bộ Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội thận trọng thao tác thả rắn hổ chúa. Ảnh: Ngọc Thành

Trong khi đó nhóm 2 tiếp tục di chuyển vào khu vực bãi đá rừng Vài để thả rắn hổ chúa và mèo rừng. Do nước lên cao nên nhóm thả rắn hổ chúa mỗi điểm 1 cá thể trong bán kính từ 1.000m. 7 cá thể rắn hổ chúa nặng trung bình 5kg/con và dài trung bình 3m/con. Nắm rõ đặc điểm của loài bò sát này là phân bố trên khắp cả nước, ưa ẩm ướt, bơi giỏi, bò nhanh nên địa điểm thả với nhiều hang hốc đá, gần bờ suối sẽ giúp rắn dễ dàng tìm kiếm thức ăn.

Anh Nguyễn Duy Hải – Phó trưởng phòng Kỹ thuật (Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội) cho hay, tái thả rắn cầu kỳ và đòi hỏi an toàn cao, do rắn đang được nuôi trong chuồng diện tích nhỏ hẹp khi thả ra môi trường rộng lớn chúng sẽ hoảng loạn và bò rất nhanh. Vì vậy, khi thả rắn anh em hết sức thận trọng từng thao tác.

Theo đó, mỗi chiếc tải sẽ được buộc bằng đoạn dây thừng dài khoảng 20 m (phía đáy tải), tiếp đó tháo dây ở đầu tải (đầu tải đã được xoắn và buộc lỏng), sau đó người thả dòng dây thừng đứng từ xa giật từ từ cho tải mở dần dần để rắn bò ra. Khi rắn bò ra khỏi tải, người thả thu dây về và tuyệt đối không quay trở lại điểm vừa thả.

Mèo rừng - loài động vật nguy cấp thuộc nhóm IIB (Nghị định 84/2021/NĐ-CP) được thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: Ngọc Thành
Mèo rừng - loài động vật nguy cấp thuộc nhóm IIB (Nghị định 84/2021/NĐ-CP) được thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: Ngọc Thành

Với mèo rừng thì việc thả có phần nhẹ nhàng hơn vì loài này nhanh nhẹn, thích nghi nhanh với môi trường tự nhiên. Khu vực rừng đặc dụng rất thuận lợi cho loài này sinh tồn và kiếm ăn với điều kiện rừng rậm xen núi đá, nhiều bãi cỏ, bụi cây lớn nên thức ăn của chúng (chuột, cá…) rất dồi dào.

“Trời mưa cũng không ảnh hưởng đến điều kiện sống của cả rắn hổ chúa và mèo rừng. Bởi mèo rừng sau khi được thả đã phi ngay vào hang đá trú ẩn an toàn, còn các cá thể rắn hổ chúa trước đó đã được ăn đủ lượng để đảm bảo những ngày đầu dần làm quen thích nghi môi trường sẽ không bị đói” – anh Nguyễn Duy Hải nói.

Theo ông Lương Xuân Hồng, trước khi tái thả, Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Mỹ Đức và Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội tiến hành khảo sát kỹ lưỡng địa hình, nguồn thức ăn, nhiệt độ và điều kiện tự nhiên của rừng được chọn thả.

“Dù chuyến tái thả ĐVHD lần này không quá khó khăn về lộ trình di chuyển, địa hình hiểm trở, điều kiện ăn ở trong rừng bắt buộc như nhiều lần trước, nhưng Trung tâm luôn chuẩn bị chu toàn mọi công đoạn để đảm bảo an toàn cao nhất cho người và ĐVHD. Mỗi chuyến tái thả ĐVHD về môi trường tự nhiên thành công chính là niềm vui, sự động viên lớn nhất giúp chúng tôi giữ mãi “lửa” nhiệt huyết với nghề cứu hộ ĐVHD” – ông Lương Xuân Hồng chia sẻ.

 

Thời gian qua, Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, tái thả nhiều loài ĐVHD mang tính bảo tồn về môi trường tự nhiên. Hoạt động này góp phần làm phong phú thêm hệ sinh thái cũng như bảo tồn đa dạng sinh học trong tự nhiên ở Việt Nam.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần