Khảo sát của phóng viên cho thấy, đối với HS lớp 1, thời gian học online được các nhà trường bố trí trong khung từ 18 - 21 giờ để cha mẹ HS có thể hỗ trợ con học. Từng nhà trường chủ động lựa chọn công cụ dạy học qua internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của trường mình. Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết: “Lần này các trường có kinh nghiệm hơn trong việc xây dựng kế hoạch dạy học online đến hết ngày 28/2 theo đúng chương trình, kế hoạch học kỳ 2 để không bị đứt gãy, dạy dồn khi HS quay trở lại trường học. Chúng tôi vận động các trường sử dụng phần mềm Office 365 để có sự tương tác giữa giáo viên và HS; yêu cầu tất cả các trường cung cấp ID để kiểm tra giáo viên dạy. Chúng tôi cung cấp trang web học bài ở nhà từ lớp 1 đến lớp 9 của Sở GD&ĐT Hà Nội, để giáo viên hướng dẫn HS”.Theo ông Lê Hồng Vũ, HS lớp 1 học online phức tạp hơn vì nhiều bài giảng mới. Tuy nhiên, lại thuận lợi ở chỗ năm nay quận Tây Hồ trang bị cho các lớp 1 bảng thông minh, HS quen với việc giáo viên ứng dụng CNTT nên việc học online không khó. Ngoài ra, phụ huynh đã phối hợp chặt chẽ trong việc dạy con. Về phía các trường cũng khắc phục những trở ngại để thực hiện dạy học online đạt kết quả. Cô Trần Thị Thúy Hằng - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học (TH) Phú Thượng (quận Tây Hồ) cho biết: Về mặt bằng chung, trường TH Phú Thượng khó khăn hơn so với các trường khác trong quận. Nhà trường tổ chức dạy học online cho các khối lớp qua zoom, gửi video bài giảng, phiếu bài tập. Với 400 HS lớp 1, giáo viên gửi video nội dung bài học, hướng dẫn HS sau khi học xong thì hoàn thành bài tập theo yêu cầu, phụ huynh chụp ảnh bài làm của con gửi qua zalo cho cô giáo chấm, chữa và gửi lại để cha mẹ HS biết đâu là ưu, nhược điểm rồi sửa chữa. “Phương pháp gửi video bài học HS được xem đi xem lại nên khả năng tiếp thu bài và làm bài tập khá tốt. Không chỉ vậy, chất lượng học online lần này cũng tốt hơn nhiều so với đợt nghỉ dịch đầu năm 2020” - cô Trần Thị Thúy Hằng nhận xét.Nhà trường hỗ trợ điện thoại cho học sinh học onlineThực hiện chủ trương “Dừng đến trường, không dừng việc học”, phòng GD&ĐT các huyện ở Hà Nội đã chỉ đạo các trường thực hiện dạy học online ngày từ ngày đầu HS được nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh chia sẻ: Năm học này, toàn huyện có 5.655 HS lớp 1. HS lớp 1 còn nhỏ, chưa thao tác được máy tính, điện thoại nên phải có sự hỗ trợ của cha mẹ HS. Một số trường ở địa bàn xa đường truyền mạng còn kém, một số gia đình HS khó khăn chưa có phương tiện để cho con học. Trước tình hình đó, Phòng đã chỉ đạo các nhà trường tiếp tục phát động phong trào quyên góp tặng máy tính, điện thoại thông minh cho HS nghèo; đã có 79 HS khó khăn về phương tiện học trực tuyến được hỗ trợ. Để việc học trực tuyến đạt hiệu quả, Phòng GD&ĐT Ba Vì yêu cầu giáo viên quay lại phần bài giảng và gửi qua nhóm zalo để phụ huynh nắm bắt và hướng dẫn con em. Đến nay, số HS lớp 1 tham gia học trực tuyến là 5.574 HS, đạt tỷ lệ 98,56%.Cứ tưởng việc học online đối với HS lớp 1 ở trường TH Vật Lại (huyện Ba Vì) - nơi có nhiều phụ huynh làm nông nghiệp gặp khó khăn nhưng không hẳn. Bởi nhà trường có 300 HS lớp 1 và mỗi buổi số em học trực tuyến chiếm 98 - 99%. Cô Phùng Thị Bình - Hiệu trưởng trường TH Vật Lại giải thích: 100% lớp học có máy chiếu, hàng ngày các giáo viên ứng dụng CNTT trong dạy học, khi chuyển sang dạy zoom thì cập nhật nhanh hơn. Các buổi học, HS đều được phụ huynh hỗ trợ. Một số gia đình khó khăn, nhà trường đến tận nơi vận động, hỗ trợ cài đặt phần mềm. Nếu hôm nào, phụ huynh bận không vào được lớp online của con theo lịch thì được bố trí vào lớp kia ở khung giờ khác. Đối với trường TH Kim An (huyện Thanh Oai), HS học trực tuyến đã đi vào nền nếp, có ngày đạt 100%. Cô Nguyễn Thị Hồng Nga - Hiệu trưởng trường TH Kim An cho biết, đầu học kỳ II năm 2020, trường chỉ có 70% HS lớp 1 tham gia học trực tuyến. Nhà trường đã khắc phục bằng cách huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên cho HS hộ khó khăn, hộ nghèo mượn điện thoại để học. Những trường hợp nào khó khăn và bí quá, chúng tôi bố trí cho học nhờ nhà bạn gần nhà. Năm nay, có 2 trường hợp HS khó khăn được mượn điện thoại, đích thân hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm đến tận nhà cài đặt và hướng dẫn phụ huynh sử dụng zoom.Ghi nhận cho thấy, bài giảng online được các giáo viên chuẩn bị chu đáo, điều chỉnh cách giảng cho phù hợp để HS nắm bắt và hiểu bài. Nhiều phụ huynh khi dự giờ đã thấy con mình được học thêm nhiều thứ bên ngoài chứ không chỉ mấy chữ trong sách giáo khoa lớp 1. Từ đó, nhiều phụ huynh đánh giá cao nhà trường và trách nhiệm, uy tín của giáo viên cũng được nâng lên.