WB dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng từ 6 - 6,2%

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, trong đó đưa ra dự báo, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6 - 6,2% trong năm 2015, cao hơn mức ước tính 6% của năm 2014.

Ngày 20/7, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, trong đó đưa ra dự báo, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6 - 6,2% trong năm 2015, cao hơn mức ước tính 6% của năm 2014. Trong khi lạm phát của Việt Nam kết thúc năm 2015 sẽ đứng ở mức thấp là 2,5%

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng

Theo ông Sebartian Eckardt - chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi với mức tăng trưởng kinh tế đạt 6,28% trong nửa đầu của năm 2015. Đây là mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao nhất của Việt Nam trong vòng 5 năm qua. Sự phục hồi này chủ yếu nhờ kết quả hoạt động tích cực trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, quá trình phục hồi kinh tế vẫn chưa đồng đều. Trong bối cảnh lạm phát thấp, Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ cho hoạt động kinh tế, đồng thời điều chỉnh tỷ giá để đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế. Các chuyên gia WB đã chỉ ra triển vọng trong trung hạn của Việt Nam nhìn chung tích cực. Tăng trưởng kinh tế dự báo ở mức trên dưới 6% nhờ cầu trong nước tiếp tục phục hồi, đầu tư và tiêu dùng cá nhân tiếp tục cải thiện. Thâm hụt ngân sách dự kiến được điều chỉnh thông qua các nỗ lực cắt giảm chi tiêu để tránh gia tăng nợ công. Cán cân thương mại dự báo sẽ bị thu hẹp đáng kể trong năm 2015 do tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, trong khi nhập khẩu gia tăng nhằm đáp ứng các nhu cầu đầu tư và hoạt động kinh tế trong nước.

Trong nước, một kế hoạch củng cố tài khóa đáng tin cậy trong trung hạn cùng với những biện pháp nghiêm túc nhằm củng cố tình hình tài chính của DN Nhà nước (DNNN) và khu vực ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng giúp giảm áp lực lên tính bền vững của nợ công và gia tăng niềm tin của khu vực tư nhân.

Cải cách chưa đồng đều

Báo cáo của WB cũng đánh giá, tiến độ cải cách kinh tế chưa tương xứng với kỳ vọng, đặc biệt trong việc cơ cấu DNNN và một phần trong cải cách ngân hàng. Cụ thể, tốc độ cơ cấu lại DNNN dường như đang chậm lại. Đến hết quý I/2015, mới cổ phần hóa được 29 DNNN so với mục tiêu 289 DN đề ra trong cả năm 2015. “Cải cách ngân hàng đã có nhiều tiến triển, đặc biệt trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập. Nhiều vụ sáp nhập và mua lại các ngân hàng nhỏ được thực hiện bởi các ngân hàng thương mại có quy mô lớn” - chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Sandeep Mahajan cho biết. Cũng theo chuyên gia này, công tác xử lý nợ xấu của VAMC vẫn hạn chế vì những rào cản pháp lý.

Báo cáo lần này cũng dành riêng một chuyên mục về thị trường lao động của Việt Nam. Sự thay đổi rõ nhất là trước đây, cơ cấu việc làm tại Việt Nam chủ yếu là nông nghiệp gia đình, việc làm trong các HTX và DNNN. Đến nay, cơ cấu này đã có sự dịch chuyển việc làm sang các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ, việc làm trong các DN gia đình ngoài nông nghiệp, DN tư nhân trong nước và nước ngoài.

Các chuyên gia của WB cũng đưa ra những gợi ý về việc tiếp tục chuyển đổi thị trường lao động của Việt Nam, trong đó có các biện pháp chủ động tăng cường hệ thống quan hệ lao động công nghiệp, cân bằng giữa việc đảm bảo sự linh hoạt trong thị trường lao động với việc duy trì bền vững tăng trưởng về năng suất, và quản lý những rủi ro về mặt xã hội trong một nền kinh tế có định hướng thị trường rõ nét hơn.