Theo đó, tình hình ổn định kinh tế vĩ mô Việt Nam đã có sự cải thiện với việc duy trì mức lạm phát hợp lý, áp lực với đồng Việt Nam cũng giảm một cách đáng kể. Cán cân ngoại thương và cán cân tài khoản vốn mạnh hơn đã tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối tới mức tương đương khoảng 3 tháng nhập khẩu. Đặc biệt, năm 2013 đã ghi nhận những tiến bộ đáng kể của Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Điều này được thể hiện rõ khi xuất khẩu được duy trì ở mức cao trong những năm gần đây mặc dù môi trường bên ngoài có nhiều khó khăn. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu và nông sản giảm, các mặt hàng ngoài dầu tiếp tục tăng trưởng mạnh. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đóng góp 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, có kết quả đặc biệt tốt. Tuy nhiên, trong báo cáo của mình, WB cũng chỉ ra những hạn chế mà kinh tế Việt Nam cần khắc phục như cầu trong nước vẫn thấp do giảm niềm tin của khu vực tư nhân, tình trạng các khối ngân hàng và DNNN sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức và tình hình tài khóa khó khăn. Chi tiêu khu vực tư nhân tiếp tục tăng chậm trong khi đầu tư của Nhà nước dự kiến sẽ giảm nhẹ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, dù đã nới lỏng đáng kể chính sách tiền tệ, nhưng tổng tín dụng cho nền kinh tế năm 2013 vẫn chỉ tăng kiêm tốn ở mức 7,5% so với chỉ tiêu đề ra là 12%. Cắt giảm lãi suất vẫn chưa thể thúc đẩy cho vay tới khu vực tư nhân hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì những khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Từ những phân tích trên WB đưa ra đánh giá, năm 2013 Việt Nam đã từng bước ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vẫn còn một vài rủi ro quan trọng. Trên cơ sở đó, WB dự báo tăng trưởng GDP trong kịch bản cơ sở của Việt Nam sẽ tăng 5,4% vào năm 2014 và 5,5% vào năm 2015.