WB: Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam nhanh chóng nhưng không đồng đều

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau khi GDP thực ước tính tăng trưởng 5,3% năm 2009, Ngân hàng Thế giới dự báo năm nay nền kinh tế sẽ mở rộng 6,5%.

KTĐT - Sau khi GDP thực ước tính tăng trưởng 5,3% năm 2009, Ngân hàng Thế giới dự báo năm nay nền kinh tế sẽ mở rộng 6,5%. Đánh giá triển vọng GDP lần này không khác so với hồi tháng 6.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới đây, World Bank đánh giá sự phục hồi kinh tế của Việt Nam là nhanh chóng nhưng không đồng đều.

Sau khi GDP thực ước tính tăng trưởng 5,3% năm 2009, Ngân hàng Thế giới dự báo năm nay nền kinh tế sẽ mở rộng 6,5%. Đánh giá triển vọng GDP lần này không khác so với hồi tháng 6. Trong báo cáo hôm 3/6, World Bank cho rằng kinh tế sẽ mở rộng 6,5% năm nay, và việc lên 7% cũng không có gì là khó khăn trong giả định "Việt Nam sẽ làm tốt hơn".

Cũng trong buổi họp báo Cập nhật Kinh tế diễn ra hôm 19/10 vừa rồi, World Bank đánh giá sản xuất công nghiệp có thể tăng 12,5% năm nay sau khi thụt lùi 7,6% năm 2009. Xuất khẩu phục hồi trở lại mức tăng trưởng hàng năm 20%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài ấm lên, từ 6,9 tỷ đôla năm ngoái lên 7,6 tỷ đôla trong 2010. Về mặt lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng được dự báo tăng 8% và sẽ hạ nhiệt còn 7% năm sau.

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới nhận định thâm hụt tài khoản vãng lai vẫn ở mức cao, dự kiến 9% GDP và 8% lần lượt cho hai năm 2010, 2011. "Việc người dân và doanh nghiệp dường như vẫn dự trữ vàng và ngoại tệ, tiếp tục gây áp lực liên tục cho đồng nội tệ", báo cáo của WB viết.

Có nhiều mối quan ngại rằng sự mở rộng quá nhanh của tín dụng trong nước nhằm kích thích nền kinh tế đã dẫn đến sự yếu kém trong cân đối tài sản của một số ngân hàng. Biên độ của trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ của Việt Nam vẫn nằm xung quanh 400 điểm cơ bản, cao hơn hầu hết những nước trong khu vực. Vì vậy, trong khi nền kinh tế thực tế đã lấy lại được động lực tăng trưởng tiền khủng hoảng, các nhà đầu tư vẫn còn quan ngại về khả năng đất nước có thể ra khỏi khủng hoảng như người ta vẫn nói là "hạ cánh an toàn".

Trước những diễn biến trái chiều như vậy, một hiệu chỉnh giảm dần gói kích cầu đang được tiến hành. Một phần của gói kích cầu được tài trợ trực tiếp từ ngân sách đã được rút ra, với tổng thâm hụt tài chính dự kiến giảm từ 8,9% GDP năm 2009 xuống còn 5,9% năm 2010. Các nguồn thu nhập mạnh hơn có thể giúp cắt giảm thâm hụt ở mức 5,5%. Một số gói kích thích tiền tệ cũng đã được rút ra, dù những nỗ lực tăng vốn tối thiểu cho ngân hàng vẫn phải đối mặt với sự phản đối từ phía ngành ngân hàng.

Trong 8 tháng đầu năm 2010, tín dụng ước tính tăng 16% so với mức tăng 27% so với cùng kì năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng năm 2010 nhìn tổng thể có thể sẽ thấp hơn 25% mục tiêu do ngân hàng nhà nước đặt ra.

Về kinh tế Đông Á Thái Bình Dương, World Bank dự báo tăng trưởng GDP thực tế có thể sẽ lên tới 8,9% năm nay. Nếu không tính Trung Quốc thì tỷ lệ này chỉ còn 6,7%. Do tổng các phương tiện thanh toán toàn cầu dồi dào, kết hợp với kỳ vọng về tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực, năm nay các dòng vốn chảy vào gia tăng nhanh chóng. Dòng vốn đổ về lớn hơn giúp nâng cao tỷ giá dù các Ngân hàng trung ương tìm cách can thiệp vào thị trường ngoại hối. Dòng vốn cũng đóng góp vào việc tăng giá tài sản.

World Bank kêu gọi các quốc gia có thu nhập trung bình trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, cần phải tăng sự đầu tư về vật chất và nguồn nhân lực, khuyến khích sự sáng tạo nếu muốn trở thành nước thu nhập cao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần