WB: Tăng trưởng năm 2017 của Việt Nam sẽ đạt 6,7%

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo “Điểm Lại” của Ngân hàng Thế giới (WB) được ra mắt ngày 11/12 ghi nhận đà tăng trưởng của Việt Nam mạnh hơn, tăng trưởng dự kiến 6,7% trong năm nay.

“Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang thể hiện sức dẻo dai nhờ ưu thế của các yếu tố căn bản đảm bảo tăng trưởng của Việt Nam - bao gồm sức cầu trong nước và ngành sản xuất chế tạo chế biến", theo lời của ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Đà tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn được đẩy mạnh và thương mại toàn cầu đang hồi phục trong năm 2017. Nhờ thu nhập tăng lên và tỷ lệ nghèo giảm xuống, nền kinh tế Việt Nam có thêm một năm khởi sắc với tăng trưởng cao và kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định.Lạm phát thấp và mức lương thực tế tăng giúp duy trì sức cầu trong nước và tiêu dùng tư nhân tăng cao. Đồng thời, kinh tế toàn cầu khởi sắc cũng trợ lực cho xuất khẩu tốt hơn, ngành nông nghiệp đang từng bước phục hồi. Ngành chế biến, chế tạo dịch vụ lần lượt đã tăng trưởng 7,3% và 12,8% trong 9 tháng đầu năm và tiếp tục tăng trưởng mạnh. Đà tăng trưởng vẫn được duy trì là yếu tố thuận lợi để Việt Nam xử lý những trở ngại có tính chất cơ cấu cho tăng trưởng trong trung hạn, đồng thời tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và tạo lập lại những khoảng đệm chính sách.
Tuy vậy, báo cáo cũng lưu ý rằng, trên cơ sở đà tăng trưởng được duy trì, cải cách cơ cấu vẫn là ưu tiên trọng tâm hàng đầu trong điều kiện tăng trưởng năng suất chưa cao. Theo ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: “Trên cơ sở những tiến triển đạt được, Việt Nam có thể tiếp tục tăng năng suất qua đầu tư vào kĩ năng và hạ tầng cần có đồng thời tăng cường chiều sâu cải cách về môi trường kinh doanh, khu vực ngân hàng và DNNN”.
Cũng theo WB, ưu tiên hàng đầu với Việt Nam vẫn là củng cố ổn định kinh tế vĩ mô và tái lập lại các lớp đệm chính sách. Giảm bội chi ngân sách là hết sức cần thiết để kiềm chế những rủi ro ngày càng tăng về bền vững ngân sách và tạo dư địa tài khóa nhằm đối phó với các cú sốc tiềm năng trong tương lai. “Khi nợ công tiến sát hạn mức 65% GDP theo luật định, Chính phủ Việt Nam phải đối mặt với những hạn chế đòi hỏi phải thắt chặt ngân sách trong vài năm tới. Ngoài ra, cần tiếp tục cải thiện công tác đánh giá rủi ro và thanh tra giám sát về an toàn vốn nhằm giảm thiểu các rủi ro phát sinh trong bối cảnh mở rộng tín dụng.