Chủ tịch nước đề nghị WB tiếp tục dành cho Việt Nam vốn vay ưu đãi ODA, hỗ trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng; đề nghị IMF tăng cường tư vấn chính sách, ủng hộ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam.
Chủ tịch WB và Tổng Giám đốc IMF khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và tin tưởng với các biện pháp toàn diện hiện nay, nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua được những thách thức kinh tế vĩ mô.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Largade. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Phát biểu tại tiệc chiêu đãi của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, trong 18 năm qua, Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu và là nhà đầu tư lớn thứ bảy tại Việt Nam.
Chủ tịch bày tỏ quan điểm, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục khẳng định sự năng động và vai trò đầu tầu trong tăng trưởng và liên kết kinh tế thế giới, đóng góp gần 40% tăng trưởng toàn cầu. Các cơ chế liên kết kinh tế hiện có ở khu vực tiếp tục được củng cố và đi vào chiều sâu; đồng thời đang hình thành nhiều tầng nấc mới với nội hàm liên kết sâu rộng và mức độ cam kết cao.
Các đàm phán trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khuôn khổ Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Khu vực thương mại tự do Đông Bắc Á,… tạo nên những xung lực đầy tiềm năng cho thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng của từng quốc gia và cả khu vực. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 sẽ mở ra thời kỳ phát triển hoàn toàn mới; trở thành một tâm điểm trong mạng lưới kinh tế-thương mại và liên kết ở châu Á-Thái Bình Dương.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ Việt Nam đang tiếp tục đổi mới sâu sắc, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi tầng nấc, trở thành cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo trong không gian kinh tế thống nhất.
Năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam tiến hành đồng thời các đàm phán về khu vực thương mại tự do với tất cả các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới, tạo các nền tảng lợi ích cho quan hệ đối tác bình đẳng, dài hạn, mang tính xây dựng và cùng có lợi. Với triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) giai đoạn 2015-2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G20.
Chủ tịch nước khẳng định rằng Việt Nam hết sức coi trọng tiến trình đàm phán TPP, một trong những liên kết kinh tế tiềm năng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương với nội dung hợp tác sâu rộng và tiêu chí cao. Việt Nam quyết tâm cùng Hoa Kỳ và các nước thành viên kết thúc đàm phán TPP vào cuối năm nay dựa trên sự cân bằng lợi ích của các nước thành viên và tính đến sự đa dạng trong trình độ phát triển của mỗi nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các doanh nghiệp Hoa Kỳ mở rộng kinh doanh và đầu tư lâu dài tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, chế tạo, môi trường, công nghệ thông tin, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, góp phần đưa Việt Nam tham gia vào những công đoạn cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam sẽ triển khai mạnh mẽ các biện pháp để bảo đảm là một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư hiệu quả.