Điểm “nóng” Web3
Vào cuối tháng 10 vừa qua, show diễn “An” từ nhà thiết kế Lê Thanh Hòa đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của giới thời trang mà còn của cả cộng đồng công nghệ. Bởi đây là một trong những buổi trình diễn thời trang kỹ thuật số đầu tiên trên nền tảng Web3.
Với việc ứng dụng Web3 như trên, trình diễn một show thời trang sẽ mang lại các giá trị thưởng thức về nghe và nhìn tốt hơn nhờ các hiệu ứng công nghệ. Không chỉ vậy, các bộ sưu tập cũng được mã hóa nhằm bảo vệ bản quyền cho các nhà thiết kế trên không gian số. Hiện, đây cũng là xu hướng được nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới như Louis Vuitton, Lacoste … sử dụng cho các dự án thời trang của mình.
Trên đây là một trong những ứng dụng thực tế và mang lại hiệu quả rõ rệt của công nghệ mới Web3 hay còn được gọi là Web 3.0. Không chỉ đối với thời trang, web3 còn đang hiển hiện rõ nét trong các mảng mang lại giá trị cao như: game, tiền ảo, bất động sản, mua bán trực tuyến …
Về cơ bản, có thể hiểu Web3 là một thế hệ web mới, nơi mà người dùng có thể thoải mái tham gia mà không sợ bị kiểm soát và theo dõi thông tin cá nhân bởi các ông lớn công nghệ như: Google, Facebook … Thông qua công nghệ nền tảng là Blockchain, người dùng có thể vay tiền, đầu tư hoặc mua bán xuyên quốc gia một cách dễ dàng mà không phải trải qua nhiều thủ tục, giấy tờ và đặc biệt là loại trừ được gần như hoàn toàn yếu tố lừa đảo.
Đáng chú ý, mặc dù Web3 hiện vẫn đang là công nghệ mới trên thế giới nhưng Việt Nam đang có những bước chạy đà tốt nhằm bắt kịp xu hướng này. Nhiều startup ứng dụng Web3 đã ra đời như dự án khởi nghiệp cung cấp dịch vụ giúp việc nhà theo giờ Jupviec, hệ sinh thái Blockchain Orochi Network hay dự án cung cấp giải pháp gọi vốn Spinel Labs … Đặc biệt là Axie Infinity, game trên nền Web3 từng được định giá lên hơn 3 tỷ USD.
Thêm một yếu tố khác khiến Việt Nam hiện đang là một trong những điểm “nóng” của Web3 toàn cầu là dòng vốn đổ cho các startup đang rất khả quan trong thời gian gần đây. Mới đây nhất, startup về game trên nền Web3 là Ancient8 đã hoàn thành 2 vòng gọi vốn với tổng số tiền lên tới 10 triệu USD. Đây là con số cực kỳ ấn tượng đối với bất kỳ startup về công nghệ nào.
Mới đây nhất, quỹ NEAR (Thụy Sĩ) đã cùng hợp tác với quỹ đầu tư GFS Ventures để xây dựng trung tâm giáo dục và phát triển tài năng thuộc lĩnh vực Blockchain và Web3 cho toàn khu vực Đông Nam Á, đặt tại Việt Nam. Hay như hãng trình duyệt Opera đã bắt tay cùng startup Việt Coin98 nhằm tăng cường ứng dụng Web3 không chỉ tại Việt Nam mà còn cho toàn bộ Đông Nam Á.
Nhận định về tương lai của Web3, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, nhà sáng lập của 3.0 Labs Heinrich Donatus cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội lớn hơn nhiều so với các nước phương Tây về công nghệ mới này. Hiện ở phương, nền tảng hạ tầng công nghệ quá vững chắc, đây chính là rào cản cho việc triển khai các thứ mới. Nhưng đây lại không phải là cản trở chính với Việt Nam, đồng thời nó cũng mở ra cơ hội nhảy vọt hoặc thậm chí vượt qua các nước phương Tây.
Dân số trẻ với 60% dưới 35 tuổi, người trẻ được tiếp cận sớm và đầy đủ với các công nghệ mới là những lợi thế rất lớn của Việt Nam. Khả năng bắt kịp với công nghệ mới của Việt Nam cũng rất cao có thể thấy qua việc ứng dụng crypto với tốc độ hàng đầu thế giới. Nếu triển khai có bài bản và lộ trình cụ thể, việc Việt Nam lọt vào nhóm đầu thế giới về Web3 là hoàn toàn có khả năng, Heinrich Donatus nhận định.
Khan hiếm nhân sự
Do Web3 là công nghệ mới nên mức đãi ngộ giành cho cho nhân sự ngành này hiện đang rất hấp dẫn. Hiện ở Việt Nam, trung bình một kỹ sư thuộc lĩnh vực này sẽ có mức lương trung bình khoảng 3.000 - 5.000 USD/tháng. Mặc dù con số này chỉ bằng 1/3 so với người cùng vị trí tại Mỹ nhưng cũng chính vì lý do đó nên nhân sự Web3 của Việt Nam rất được săn đón bởi các quốc gia trên thế giới.
Tuy lương cao nhưng việc tìm kiếm nhân sự cho Web3 là không hề dễ dàng. CEO Coin98 Nguyễn Thế Vinh cho biết, đây thực sự là vấn đề nan giải. Coin98 từng phỏng vấn vài chục lập trình viên nhưng không chọn được người nào. Khi tìm được cũng rơi rớt sau vài tuần, có thể do không phù hợp với công việc hoặc văn hoá công ty. Hiện tại, Coin98 đang có 100 người làm về Web3 và Blockchain, tuy nhiên kế hoạch muốn tăng số nhân sự này lên 2-3 lần để đáp ứng với nhu cầu công việc vẫn đang thực hiện rất khó khăn.
Đây là thị trường ngách nên nhân sự có năng lực rất khan hiếm. Để đào tạo được nhân sự mới hay tuyển người mới ở ngành khác chuyển sang gặp nhiều khó khăn. Việc tìm người phù hợp, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp lại càng khó khăn hơn, ông Nguyễn Thế Vinh chia sẻ.
Cùng một vấn đề nhưng dưới góc nhìn khác, nhà sáng lập của KardiaChain Huy Nguyễn lại cho rằng, việc thiếu nhân sự là tình trạng chung của các mảng công nghệ tại Việt Nam. Nếu tính riêng trong Web3 và Blockchain thì thiếu hụt nhân sự cũng là tình trạng trung của toàn thế giới. Do đó việc này không quá đáng lo ngại.
Để giải quyết bài toán trên, việc đào tạo nhân sự cho Web3 nói riêng và Blockchain nói chung cần phải được thực hiện bài bản. Các trường đại học cần phối với với doanh nghiệp để có sự đào tạo từ gốc rễ cũng như tìm được đầu ra cho sinh viên. Tăng cường khóa học ngắn hạn nhằm tìm kiếm nhân sự thích chuyển ngành từ một lĩnh vực công nghệ khác. Quan trọng nhất là có chính sách thu hút những chuyên gia công nghệ được đào tạo hoặc đang làm việc ở nước ngoài quay về để đóng góp cho đất nước, ông Huy Nguyễn nói.
Có cùng ý kiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Phan Đức Trung cũng cho rằng, phải đào tạo có hệ thống mới có thể giải quyết được tình trạng khan hiếm nhân sự cho Web3. Hiện Hiệp hội đã và đang kết nối, hợp tác với một số doanh nghiệp, trường cao đẳng, đại học nhằm chung tay tạo ra nguồn nhân lực công nghệ số có chất lượng cao trong lĩnh vực này.