Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

WEF ASEAN 2018: Cơ hội cho đổi mới, sáng tạo

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) đã kết thúc, đã truyền tải thông điệp các quốc gia, trong đó có Việt Nam đang xây dựng chính phủ điện tử trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Thuận lợi là vô cùng lớn khi mang lại cho cộng đồng DN những cơ hội làm ăn mới nhưng thách thức cũng không hề nhỏ.
Tạo thuận lợi cho sáng tạo

Có thể nói Hội nghị WEF ASEAN 2018 đã đề xuất các ý tưởng, tầm nhìn, định hướng về sự phát triển và hội nhập sâu rộng của các nước ASEAN trong bối cảnh CMCN 4.0. Đẩy mạnh liên kết, kết nối nội khối ASEAN và giữa ASEAN với khu vực, thế giới thông qua tăng cường kết nối số, thương mại số, công nghệ tài chính (fintech); kết nối chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng có chất lượng, đồng bộ, nông nghiệp công nghệ cao và những nội dung khác nhằm duy trì tăng trưởng năng động của các nền kinh tế ASEAN. Do vậy, Chính phủ các nước tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo, cho cái mới nảy nở và lan tỏa và phần còn lại là DN các nước ASEAN, đặc biệt là DN trong nước cần tiếp tục phát huy nội lực.
 Doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm tại triển lãm hàng công nghiệp 4.0 ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
G.S Klaus Schwab - Chủ tịch điều hành Diễn đàn WEF cho biết, WEF đã mở trung tâm về CMCN 4.0 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Singapore và sẽ xây dựng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Nền tảng công nghệ của cuộc CM 4.0 đã và đang mở ra nhiều cơ hội để các DNNVV, DN khởi nghiệp ở tất cả các lĩnh vực trong một “thế giới phẳng”… Những cơ hội cho DN XNK Việt Nam như: Giảm chi phí giao dịch và quản lý (30-80%) cũng như tăng khả năng tiếp cận thị trường, thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác, tăng cơ hội kinh doanh mới (dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử số, tài chính số …), tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực…

"Cơ hội không tự nhiên đến với một quốc gia, một DN nào thụ động chờ đợi, thụ động tiếp nhận những thay đổi do CMCN 4.0 đem lại. Phải chủ động, tích cực, quyết liệt đổi mới, sáng tạo, thực hiện hàng loạt chương trình cải cách. Ở phía các DN, đang có những bài toán cần giải đáp, những đơn đặt hàng, đầu tư, hỗ trợ kết hợp với giới chuyên gia KHCN để cùng cho ra được các sản phẩm, dịch vụ xuất phát từ nhu cầu cuộc sống. " - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng


"DN cũng cần quen hơn với việc thay đổi mô hình kinh doanh, mô thức quản trị, phương thức đầu tư công nghệ, quản lý rủi ro, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; và quan trọng là khả năng thích ứng với nền kinh tế số, chính quyền điện tử. Câu nói của Chủ tịch điều hành WEF – ông Klaus Schwab – năm 2016 rằng trong thời đại ngày nay, không phải là "cá lớn nuốt cá bé" mà là "cá bơi nhanh sẽ nuốt cá bơi chậm" rất đúng trong bối cảnh 4.0 bao trùm như hiện nay. " - Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực

Đồng thời, ứng dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ phát triển và cho ra các sản phẩm với chất lượng cao hơn, cải tiến qui trình; tăng năng suất lao động, linh hoạt, an toàn, bảo vệ môi trường… Sẽ là cơ hội đối với các DN đang nuôi khát vọng vươn lên, dẫn dắt cuộc chơi trong dòng chảy vũ bão của CMCN 4.0.

DN phải liên tục đổi mới

CMCN 4.0 đòi hỏi chính phủ các nước chủ động, tích cực, quyết liệt đổi mới, sáng tạo, thực hiện hàng loạt chương trình cải cách. Nhưng ngược lại, ở phía các DN, đang có những bài toán cần giải đáp. Chỉ ra những nhược điểm của DN trong nước hiện nay, đó là năng lực đổi mới sáng tạo ở mức khiêm tốn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung đánh giá: Các DN Việt Nam phần lớn là DNNVV, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều DN còn bị động với các xu thế mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình sản xuất kinh doanh. “Cần có những đơn đặt hàng, đầu tư, hỗ trợ kết hợp với giới KHCN để cùng cho ra được các sản phẩm, dịch vụ xuất phát từ nhu cầu cuộc sống. Đặc biệt lưu tâm đến việc đầu tư vào phát triển CNTT, tăng cường bộ máy tổ chức nhân sự, quản trị DN và đào tạo nguồn nhân lực”- ông Cung nhấn mạnh.

“Hãy mang tinh thần số hoá và tự động hoá của cuộc CMCN 4.0 vào đời sống, vào mỗi quy trình vận hành DN" - bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Hãng hàng không VietJet vừa lọt vào top 50 hãng hàng không thế giới theo Tạp chí tài chính hàng không Airfinance chia sẻ. Trong điều kiện các DN Việt Nam đều có quy mô nhỏ, nguồn vốn yếu… TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, để đáp ứng được các yếu tố trên, các DN cần phải có sự kết nối, liên minh với nhau để có thể cùng phát triển và nâng sức cạnh tranh.

Theo khảo sát mới nhất của Bộ Công Thương về tính sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN công nghiệp, có tới 82% DN đang ở vị trí mới nhập cuộc, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% DN bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị ban đầu. Ở khối thương mại và dịch vụ được đánh giá có trình độ tiếp cận công nghệ số và tính sẵn sàng cao hơn. Trong khi nhóm ngành sản xuất sẽ khó khăn hơn, nhưng lại cần thay đổi nhất để tối ưu hóa nguồn lực sản xuất, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm đến khách hàng.

Trong lĩnh vực tài chính, hệ thống thanh toán cần thay đổi để thích ứng và nguồn lực ngành ngân hàng – tài chính phải thay đổi theo hướng tinh gọn, có kỹ năng số và tinh thông nghiệp vụ. Hay như trong nông nghiệp, nông thôn, đây là khu vực yếu thế, dễ tổn thương. Giá thành sản xuất nhiều loại nông sản cao hơn một số nước ASEAN và hơn nhiều so với các nước phát triển, do mức độ cơ giới hóa, tự động hóa, áp dụng kỹ thuật số, các công nghệ: sinh học, đèn LED, nano… trong sản xuất còn thấp. “Nếu không liên kết sản xuất lớn, phát triển nông nghiệp giai đoạn tới sẽ không thể thành công được. Và chúng ta sẽ bị thua, mất thị trường 100 triệu dân ngay trên sân nhà” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.