Trong bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần công bố ngày 21/7, WHO cho biết, biến thể Delta, phát hiện lần đầu tại Ấn Độ hiện đã lây lan sang 124 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng thêm 13 so với tuần trước.
Theo WHO, biến thể Delta hiện chiếm hơn 3/4 mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gene ở những quốc gia lớn. "Nó dự kiến nhanh chóng vượt qua biến chủng khác, trở thành chủng trội trong những tháng tới", WHO cảnh báo trong bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần.
Ngoài Delta, còn 3 biến chủng khác thuộc nhóm gây lo ngại (VOCs) là Alpha, phát hiện lần đầu tại Anh, xuất hiện tại 180 vùng lãnh thổ, tăng 6 vùng so với tuần trước; Beta, phát hiện lần đầu ở Nam Phi, hiện ghi nhận trên 130 vùng lãnh thổ, tăng 7 vùng so với tuần trước; và cuối cùng là Gamma, xuất hiện lần đầu ở Brazil, có mặt tại 78 vùng lãnh thổ, tăng ba vùng so với tuần trước.
WHO cho biết, trong 4 tuần tính đến ngày 20/7, tỷ lệ mắc biến thể Delta đã vượt quá 75% tại nhiều quốc gia, bao gồm: Australia, Bangladesh, Botswana, Anh, Trung Quốc, Đan Mạch, Ấn Độ, Indonesia, Israel, Bồ Đào Nha, Nga, Singapore và Nam Phi.
Theo báo cáo của WHO, tính đến 18/7, thế giới ghi nhận 3,4 triệu ca Covid-19 mới theo tuần, tăng 12% so với tuần trước. "Với tốc độ này, số ca Covid-19 toàn cầu có thể vượt 200 triệu trong 3 tuần tới", WHO dự đoán.
WHO cho rằng số ca nhiễm Covid-19 gia tăng trên toàn cầu bởi 4 yếu tố: Nhiều biến chủng dễ lây hơn, nới lỏng các biện pháp hạn chế ngăn dịch, tăng tương tác xã hội và số lượng lớn người chưa tiêm phòng vaccine.
Số ca Covid-19 tại Tây Thái Bình Dương tăng 30%, tại châu Âu tăng 21%. Những nước ghi nhận số người mắc cao nhất là Indonesia (350.273 ca mới; tăng 44%), Anh (296.447 ca mới; tăng 41%) và Brazil (287.610 ca mới; giảm 14%). Tuy nhiên, số người chết theo tuần vẫn ở mức 57.000, tương tự tuần trước và giảm đều trong hơn 2 tháng. Tính đến sáng ngày 22/7, thế giới ghi nhận hơn 192 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 4,1 triệu người không qua khỏi.