70 năm giải phóng Thủ đô

WHO chỉ định B.1.617 là "biến thể đáng lo ngại ở cấp độ toàn cầu"

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 10/5 chỉ định biến thể B.1.617 của virus gây bệnh Covid-19, được tìm thấy lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 10 năm ngoái, là "biến thể đáng lo ngại", sau khi báo cáo hồi tháng 4 của cơ quan này đã chỉ phân loại nó là "biến thể đáng quan tâm".

Một bệnh nhân khó thở được đưa đến trung tâm hỗ trợ oxy miễn phí ở ngoại ô New Delhi. Ảnh: AFP
Phát biểu trước báo giới hôm 10/5, tiến sĩ Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO cho biết, đã có một số thông tin cho thấy khả năng lây truyền của B.1.617 tăng lên, cùng khả năng chống lại các biện pháp bảo vệ của vaccine.

"Vì vậy, chúng tôi phân loại đây là một biến thể đáng lo ngại ở cấp độ toàn cầu", bà Van Kerkhove nói, và cho biết thêm các chi tiết sẽ được cung cấp trong bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần của WHO.

Ấn Độ - quốc gia đang chứng kiến đợt bùng phát tồi tệ nhất trên thế giới, đã báo cáo gần 370.000 ca nhiễm mới và hơn 3.700 ca tử vong vì Covid-19 hôm 10/5. Theo giới khoa học, làn sóng dịch bệnh đã đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia Nam Á đến cực hạn, được thúc đẩy một phần bởi biến thể B.1.617 của virus SARS-CoV-2.

Như vậy, biến thể virus ở Ấn Độ hiện đã được thêm vào danh sách cùng 3 biến thể của virus gây bệnh Covid-19 khác - được phát hiện lần đầu ở Anh, Brazil và Nam Phi - mà WHO đã phân loại là "đáng lo ngại". Chúng được coi là nguy hiểm hơn phiên bản gốc của virus bởi khả năng lây truyền cao hơn, gây chết người hoặc kháng vaccine.

Tuy nhiên, ngay cả khi hiệu quả của vaccine có thể bị giảm đối với một số biến thể của Covid-19, tiêm chủng vẫn được khuyến cáo là có khả năng chống lại các trường hợp nhiễm bệnh nghiêm trọng và tử vong.

"Vào thời điểm hiện tại, không có bất cứ điều gì cho thấy các chẩn đoán, điều trị, cũng như vaccine hiện có không còn hoạt động", tiến sĩ Van Kerkhove nhấn mạnh trong tuyên bố phân loại biến thể B.1.617 hôm 10/5.