"Chúng ta cần phải chuẩn bị trước và thận trọng chứ không hoảng sợ, bởi chúng ta đang ở một tình thế khác so với một năm trước", tiến sĩ Soumya Swaminathan - trưởng nhóm khoa học của WHO - phát biểu tại hội nghị hôm 3/12.
Theo chuyên gia Swaminathan, để có thể vượt Delta - biến chủng chiếm 99% tổng số ca mắc hiện tại, Omicron cần có khả năng lây lan dễ hơn. Tuy nhiên, chuyên gia Swaminathan cho rằng hiện còn quá sớm để kết luận biến thể Omicron có thể gây ra bệnh nhẹ hơn so với các biến chủng khác của virus SARS-CoV-2. Tới giai đoạn này, bà Swaminathan cho biết nhiều ca nhiễm biến thể Omicron xuất hiện triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Ngoài ra, vẫn chưa có bằng chứng kết luận về tác động của Omicron đối với hiệu quả của kháng thể. Bà Swaminathan cho rằng hiện các loại vaccine hiện tại chưa cần thay đổi để ngăn chặn biến thể mới này. Chuyên gia Swaminathan lưu ý thêm rằng việc tiêm tăng cường bằng vaccine hiện có là đủ để chống lại Omicron.
Cũng trong ngày 3/12, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan nói rằng hiện chưa có bằng chứng cho thấy các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện tại cần sửa đổi để ngăn chặn biến thể Omicron.
Biến thể Omicron xuất hiện lần đầu tại Botswana vào ngày 11/11, sau đó được Nam Phi phát hiện và công bố, khi số ca nhiễm ở nước này tăng theo cấp số nhân chỉ trong vài tuần. Theo báo cáo của WHO, hiện đã có khoảng gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron.
Đến nay, giới khoa học vẫn chưa thể chắc chắn về mức độ lây truyền, độc lực của Omicron hoặc nó có khả năng né tránh hệ miễn dịch hay không. Mức độ bảo vệ của vaccine chống lại nguy cơ lây nhiễm, diễn tiến nặng hay tử vong của biến chủng này cũng chưa được làm rõ.
Nhóm cố vấn vaccine của WHO sẽ họp vào tuần tới để xem xét dữ liệu về các liều vaccine Covid-19 tăng cường.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron đang ảnh hưởng tới nhiều nước trên thế giới. WHO đã khuyến nghị các nước châu Á- Thái Bình Dương cần củng cố năng lực của hệ thống y tế và tiêm phòng đầy đủ cho người dân để chuẩn bị ứng phó với đợt dịch mới do biến thể Omicron gây ra.
Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Á- Thái Bình Dương Takeshi Kasai cho rằng các biện pháp kiểm soát biên giới có thể giúp kéo dài thời gian, nhưng mỗi quốc gia và mỗi cộng đồng cần chủ động chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới.
Ông Kasai nhấn mạnh các nước không nên chỉ dựa vào các biện pháp kiểm soát biên giới mà quan trọng nhất là chuẩn bị để ứng phó với khả năng lây lan nhanh của biến thể. Các thông tin nghiên cứu về Omicron đến nay cho thấy chưa cần thay đổi cách tiếp cận phòng chống dịch hiện nay. Vì vậy, các nước cần tận dụng các bài học kinh nghiệm rút ra từ các đợt bùng phát dịch trước đó, đặc biệt là đợt bùng phát do biến thể Delta. Theo đó, các nước đảm bảo tiêm phòng đầy đủ cho các nhóm dễ tổn thương và triển khai các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Trong khi đó, châu Âu và Mỹ hiện đang phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm của biến thể Delta. Sự xuất hiện của biến thể Omicron đang đe dọa cản trở đà phục hồi kinh tế của các nước sau các đợt phong tỏa để ngăn chặn dịch Covid-19.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong đang có xu hướng tăng trở lại, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Châu Âu hiện chính là tâm dịch mới của thế giới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 3/12 cho biết tổ chức này có thể hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do biến thể Omicron. “Do sự lây lan của biến thể Omicron, chúng tôi có thể giảm dự báo về tăng trưởng toàn cầu được đưa ra hồi tháng 10 vừa qua”, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại hội nghị hôm 3/12./.