WHO hôm 27/1 ra báo cáo cho biết, nguy cơ toàn cầu từ loại virus corona mới ở mức "cao" chứ không "vừa phải" như nhận định trước đó.
Báo cáo công bố cuối ngày 26/1 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá các rủi ro từ bệnh viêm phổi do chủng virus thuộc họ corona mới (nCoV) là "rất cao ở Trung Quốc, cao ở khu vực và toàn cầu".
Báo cáo của WHO cũng chú thích rằng các tài liệu công bố hồi tuần trước, đánh giá rủi ro toàn cầu ở mức "vừa phải" là "không chính xác". Người phát ngôn của WHO Fadela Chaib giải thích thêm rằng đây là "lỗi từ ngữ".
WHO hôm 23/1 cho biết, dịch viêm phổi Vũ Hán là "tình trạng khẩn cấp ở Trung Quốc" nhưng không phải là "tình trạng khẩn cấp toàn cầu", thuật ngữ chỉ được sử dụng cho các dịch bệnh nghiêm trọng đòi hỏi nhiều hành động phối hợp quốc tế.
WHO từng bị chỉ trích vì sử dụng thuật ngữ này. Năm 2009, khi dịch cúm lợn bùng phát, cơ quan y tế của Liên Hợp quốc bị cho là gây hoang mang khi thông báo dịch đã ở mức "đại dịch", song thực tế cho thấy nó không nguy hiểm như đánh giá ban đầu của tổ chức.
Tuy nhiên, năm 2014, WHO vấp phải chỉ trích gay gắt vì đã đánh giá thấp mức nghiêm trọng của dịch Ebola tàn phá 3 quốc gia Tây Phi, cướp đi sinh mạng của 11.300 người khi dịch kết thúc cuối năm 2016.
Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc là nơi nCoV khởi phát. Tính đến chiều 27/1, hơn 3.000 người nhiễm viêm phổi lạ, 81 người thiệt mạng.
Trung Quốc đã ban lệnh phong tỏa Vũ Hán và nhiều TP khác tại tỉnh Hồ Bắc nhằm ngăn nguy cơ dịch bệnh lan rộng. Tuy nhiên, các ca nhiễm bệnh đã xuất hiện tại Mỹ, Pháp, Canada, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Nhật Bản, Singapore, Nepal, Australia, Campuchia và mới nhất là Đức.