World Bank: Việt Nam đang chịu tác động mạnh hơn của đại dịch Covid -19, GDP có thể chỉ còn 4,8%

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo Điểm lại Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam kỳ tháng 8/2021 vừa được Ngân hàng Thế giới (World Bank -WB) công bố chiều nay 24/8, tổ chức này cho rằng, Việt Nam đang chịu tác động nặng nề hơn của đại dịch Covid-19 và đưa ra dự báo tăng trưởng cả năm 2021 giảm còn 4,8%, thấp hơn 0,2% so với dự báo trước đó.

Công nghiệp, dịch vụ giảm, thâm hụt tăng

Phát biểu tại họp báo, chuyên gia kinh tế cao cấp WB Dorsati Madani cho rằng, trong nửa đầu năm 2021, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng vững chắc ở mức 5,6%, nhưng hiện nay đang phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong nước và lan ra hầu hết các địa phương từ cuối tháng 4. Mặc dù có khả năng chống chịu tương đối tốt, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế ngày càng nghiêm ngặt hơn trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp.

Kể từ đầu tháng 5/2021, các hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ ngày càng bị bó buộc bởi các biện pháp khoanh vùng và cách ly xã hội nhằm kiềm chế virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng.

Đến giữa tháng 7/2021, các biện pháp hạn chế đi lại được mở rộng, các tỉnh phía Nam, TP Hồ Chí Minh và sau đó là Hà Nội phải thực hiện cách ly xã hội nghiêm ngặt, gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế.

Trong tháng 7, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 19,8% (so cùng kỳ năm trước), là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2020. Trong khi tăng trưởng ngành công nghiệp giảm từ 4,9% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 6 xuống còn 2,2% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 7. Các chỉ số tần suất cao, như Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cũng giảm xuống mức thấp nhất trong tháng 6/2021 kể từ tháng 5/2020.

 Ảnh minh hoạ

Trong khi đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với rủi ro gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, khi các đối thủ có tốc độ tiêm vaccine vượt trội đang tái khởi động hoạt động sản xuất và có khả năng chiếm lại một số thị phần bị mất vào tay Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam dự kiến tiếp tục bị ảnh hưởng trong tháng 8 do các biện pháp hạn chế đi lại được mở rộng, với các tỉnh phía Nam và sau đó là Hà Nội phải áp dụng biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt từ cuối tháng 7 để dập dịch. 

Về khu vực kinh tế đối ngoại, Việt Nam vẫn duy trì được vị thế tích cực với dự trữ ngoại hối tăng lên, nhưng cả cán cân thương mại hàng hóa và cán cân vãng lai đã giảm đi trong nửa đầu năm. Nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu, cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt, trong khi cán cân dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc đóng cửa biên giới quốc gia đối với hầu hết khách quốc tế. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giảm 11% trong 7 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020.

NHNN Việt Nam, với vai trò ngân hàng trung ương, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, trong khi Chính phủ quay về với chính sách tài khóa trung lập hơn trong nửa đầu năm 2021. Tín dụng tăng trưởng khoảng 15% trong những tháng gần đây, so với 10 đến 12% trong năm 2020, giúp hỗ trợ vốn tốt hơn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chính sách này cũng có thể đem lại rủi ro cao hơn cho khu vực tài chính.

Với những nhận định trên, WB dự báo rằng, Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5 - 7,0% từ năm 2022 trở đi. Đây là dự báo tích cực nhưng vẫn thấp hơn 0,2% so với dự báo trong kỳ Báo cáo Điểm lại tháng 12/2020, do tác động tiêu cực liên quan đến đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây. Dự báo mới được đưa ra dựa trên giả định rằng đợt bùng phát dịch hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý IV.

Cảnh giác rủi ro tài chính

Chính phủ đã ứng phó bằng cách tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và ban hành gói hỗ trợ tài khóa mới vào đầu tháng 7/2021 ở mức khoảng 1 tỷ USD. Tốc độ triển khai chiến dịch tiêm vaccine diện rộng cũng đã được đẩy nhanh. Trong thời gian còn lại của năm 2021, WB thấy rằng, chính sách tiền tệ vẫn sẽ là nới lỏng thông qua triển khai thực hiện một số công cụ chính sách khác nhau và cho phép tái cơ cấu các khoản nợ. Chính phủ có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Các cấp có thẩm quyền cũng cần mở rộng hỗ trợ tài chính thông qua kết hợp giữa hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt và trợ giá, như đã bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 7/2021.

WB đưa ra 3 khuyến cáo với Việt Nam để xử lý những rủi ro cao về tài khóa, tài chính và xã hội sắp tới phải đối mặt. Một là xử lý những hệ quả xã hội do đại dịch mang lại. Do đó, các cấp có thẩm quyền nên cân nhắc tăng cường các chương trình đảm bảo xã hội, về phạm vi bao phủ, đối tượng mục tiêu và mức hỗ trợ;

Thứ 2 là cảnh giác với rủi ro khu vực tài chính đang tăng lên do khủng hoảng. NHNN đã nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế, cho phép các ngân hàng gia hạn nợ, tái cơ cấu nợ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch sẽ có những doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt dộng không có khả năng trả nợ. Vì vậy nợ xấu sẽ tăng lên, những rủi ro từ nền kinh tế thực sẽ chuyển sang ngân hàng. Điều quan trọng hiện nay là cơ quan thực hiện chính sách tiền tệ sẽ cần thận trọng với rủi ro nợ xấu đang gia tăng, đặc biệt ở các ngân hàng có mức vốn hóa chưa đảm bảo trước đại dịch. Cùng với đó, đây là lúc cần thông qua một kế hoạch giải quyết nợ xấu và xây dựng cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn Basel II;

Cuối cùng là cảnh giác với rủi ro tài khóa. Mặc dù Chính phủ vẫn còn đủ dư địa tài khóa, với tỷ lệ nợ công trên GDP rơi vào khoảng 55,3% GDP vào cuối năm 2020. 

Công nghệ số là tương lai

Cũng tại họp báo, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB Jacques Morisset cho rằng, công nghệ số chính là tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đang nắm giữ vị thế tốt nhưng chưa đồng bộ để trở thành cường quốc số của thế giới.

Ông Jacques Morisset nhấn mạnh: "Do đó, để thu được nhiều lợi ích từ quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế, ngoài nâng cấp cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần khuyến khích áp dụng công nghệ số và thu hút đầu tư để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào kinh tế số, tiếp thu và phát triển kỹ năng, bảo mật dữ liệu cá nhân và an ninh mạng.

Song song với đó, Chính phủ Việt Nam sẽ cần tiến hành lộ trình hành động cụ thể như: Nâng cao kỹ năng số; bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh tiếp cận thông tin, chất lượng và an ninh".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần