70 năm giải phóng Thủ đô

Xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm - còn đó một lễ hội đậm đà bản sắc

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Như thường lệ, hằng năm vào các ngày 14, 15 và 16 tháng Hai (âm lịch), xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm lại tổ chức lễ hội truyền thống đình làng Bát Tràng. Năm nay, lễ hội đình làng Bát Tràng được tổ chức vào các ngày từ 23 - 25/3/2024 với nhiều nghi lễ độc đáo.

Lãnh đạo huyện Gia Lâm dự khai mạc lễ hội làng Bát Tràng năm 2024, sáng 23/3/2024. 
Lãnh đạo huyện Gia Lâm dự khai mạc lễ hội làng Bát Tràng năm 2024, sáng 23/3/2024. 

Từ Bạch Bát, nhờ nghề, bùn làm nên vật quý

Lò rực hồng hun nặn, đất hóa nên vàng

Đôi câu đối tại đình làng Bát Tràng đã ca ngợi về mảnh đất cổ nằm ở tả ngạn sông Hồng gắn bó với nghề làm gốm từ hàng trăm năm nay nhờ sự cần cù, chăm chỉ và sáng tạo của người dân nơi đây.

“Làng nghề, làng văn”

Bát Tràng - mảnh đất làng nghề nhưng cũng nổi tiếng là đất học, có nhiều người đỗ đạt cao với 11 vị đỗ đại khoa và tương đương gồm: Trạng nguyên Giáp Hải - một trong sáu vị trạng nguyên đất Thăng Long; 8 tiến sĩ: Vương Thì Trung, Trần Thiện Thuật, Nguyễn Đăng Liên, Lê Hoàn Viện, Nguyễn Đăng Cẩm, Lê Hoàn Hạo, Lê Danh Hiển, Vũ Văn Tuấn và 2 vị đỗ khoa Hoành từ.

Các bô lão thực hiện nghi lễ tế Thánh.
Các bô lão thực hiện nghi lễ tế Thánh.

Ngoài các trạng nguyên, tiến sĩ theo nghiệp văn, Bát Tràng còn có các vị Tạo sĩ (ngạch võ) với 1 Tiến sĩ: Lê Trọng Phụ, đỗ Tạo sĩ khoa Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh 1731) và các vị tiêu biểu được phong tước quốc công, quận công như Tư quốc công Vũ Ngang, quận công Lê Khả Láng, Giảng quận công Lê Trần Cẩn, Cơ Quận công Nguyễn Thành Trân, Quỳ Quận công Nguyễn Bổng…

Tình yêu với nghề và trọng con đường học vấn, Bát Tràng đã trở thành một “làng nghề, làng văn” nổi tiếng; mỗi người con Bát Tràng đều yêu mến mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên, mong muốn đóng góp thật nhiều để dựng xây làng. Chính vì vậy, những nét đẹp văn hóa tại làng Bát Tràng luôn được con người nơi đây dày công vun đắp, mang một nét riêng biệt không nơi nào có được. Lễ hội truyền thống làng Bát Tràng là một nét đẹp văn hóa như vậy.

Nhiều nghi lễ độc đáo

Bát Tràng tuy là làng công thương chuyên biệt, song các sinh hoạt tín ngưỡng vẫn theo mô hình chung của các làng quê Việt. Làng Bát Tràng hiện có tổng số 4 di tích lịch sử văn hoá đã được UBND thành phố ban hành quyết định xếp hạng gồm: Đình làng Bát Tràng, chùa Bát Tràng, văn chỉ Bát Tràng, đền Mẫu Bát Tràng và 2 địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến là Nhà cụ Vương Văn Táo - nơi in báo Độc lập và địa điểm Bác Hồ về thăm làng Bát Tràng tháng 2/1959.

Các vật phẩm dâng lễ vào đình làng Bát Tràng.
Các vật phẩm dâng lễ vào đình làng Bát Tràng.

Đình làng Bát Tràng là nơi thờ phụng sáu vị thành hoàng làng được dân làng thường gọi là “Lục vị nhà Thánh”, gồm: Nguyên bảo thịnh minh linh ứng, Đoàn túc tôn thần, Lưu thiên tử Đại vương; Trang thuận nghi dung, thượng đẳng thần, Lã thánh mẫu Đại vương; Quả đoán dương uy, thượng đẳng thần, Bạch Mã đại vương; Đoan túc tôn thần, hộ quốc tý dân, Phan đại tướng đại vương; Anh liệt triệu phù, trung đẳng thần, Hộ quốc đại vương; Dực phù trung đẳng thần, Cai minh tự đại vương.

Lễ hội làng Bát Tràng trước đây diễn ra từ ngày 11 đến hết ngày 19 tháng Hai (âm lịch) bao gồm các nghi lễ: mở đầu là lễ rước nước, để lấy nước về cúng tế quanh năm và làm lễ mộc dục cho Lục vị nhà Thánh; lễ cấp thủy, lễ khai quang, lễ mộc dục, lễ phong vị (thay quần áo mới cho các vị thành hoàng làng: điều đặc biệt là trong 6 vị thành hoàng làng Bát Tràng có 4 vị được phong, 5 vị được đặt trên kiệu bát cống, riêng đức thánh Bà được đặt trong khám).

Khi lễ phong vị hoàn tất, tổ chức rước nghênh thần (rước các vị ra đình) với trình tự sắp xếp đi đầu là kiệu đức Thánh Cả, sau là kiệu đức Thánh Bà, tiếp đến kiệu đức Thánh Bạch Mã, kiệu đức Thánh Hộ Quốc, sau cùng là kiệu hai Quan lớn (hai Tiến sĩ). Lễ rước bát hương trong nhà thờ tổ ra đình với ý nghĩa để các vị Thành hoàng có dịp gặp gỡ và ban lộc cho các vị tổ.

Dâng lễ tam sinh tại lễ hội đình làng Bát Tràng.
Dâng lễ tam sinh tại lễ hội đình làng Bát Tràng.

Ngày rằm - xuân tế - ngày lễ chính diễn ra chầu quan viên (tất cả quan viên dâng lễ lên chư vị thành hoàng. Lễ vật dâng lên Thành hoàng gồm hai loại chính: khiết sinh (trâu thui cạo sạch, hoặc gà, lợn luộc) tư thình (xôi), trầu rượu, hương hoa, trà quả và hai thứ cỗ: cỗ thờ (sáu mâm dâng lên Thành hoàng) và cỗ hộp (số mâm tùy thuộc và số lượng khách dân làng mời)….

Ngày nay, lễ hội làng Bát Tràng được diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Hai (âm lịch) với các nghi thức tổ chức giảm hơn, bao gồm các nghi lễ: lễ mộc dục; dâng lễ tam sinh, lễ cấp thủy, rước nước; lễ rước bộ kiệu Thánh đi qua các trục đường lớn của làng, sau đó trở về đình làm lễ, các dòng họ trong làng dâng lễ, lễ tạ…

Bát Tràng hôm nay đang trên đà phát triển, trở thành làng gốm sứ tiêu biểu của Thủ đô, “điểm du lịch” hấp dẫn thu hút bạn bè trong nước và quốc tế. Bát Tràng đã và đang thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một làng kiểu mẫu ở nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Lễ cấp thuỷ.
Lễ cấp thuỷ.

Song song với việc phát triển kinh tế, xã hội, Bát Tràng vẫn quan tâm, chăm lo bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong đó có lễ hội truyền thống, coi đó như một phần máu thịt của mình. Đây chính là nỗ lực không ngừng bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của cha ông, bảo tồn bản sắc dân tộc và phát triển lên một tầm cao mới, phù hợp với dòn chảy của thời đại.