Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Thái Đỗ Văn Hùng cho biết: Sau phản ánh của cơ quan báo chí và người dân có ý kiến, UBND xã đã tổ chức họp lần 3 để giải quyết tình trạng trên. Đến nay UBND xã đã vận động người dân tháo dỡ một phần. Tuy nhiên, khi thực hiện nạo vét sông Nhuệ, không hiểu vì sao các đơn vị còn múc đất đắp bồi cho những hộ dân lấn chiếm này. “Trước tiên, chúng tôi tuyên truyền vận động để người dân tự tháo dỡ. Sau Tết Nguyên đán, nếu hộ dân nào còn cố tình không thực hiện tháo dỡ, xã sẽ tiến hành cưỡng chế, cho xe cẩu múc luôn cả đất đi”- ông Hùng nói.
Tại biên bản kiểm tra hiện trạng được Đội Quản lý trật tự xây dựng và đô thị huyện Thường Tín phối hợp với UBND xã Duyên Thái và xí nghiệp Thủy lợi Hồng Vân lập ngày 12/10/2019 nêu rõ, khu đầu cầu chợ Giường (Phúc Am, Duyên Thái) công trình vi phạm có hiện trạng nền đổ bê tông, dựng khung sắt, lợp tôn, chiều bám đường 7,3m, chiều rộng 5,5m, diện tích khoảng 42m2. Nhưng chỉ cần quan sát bằng mắt thường cũng dễ nhận thấy công trình nói trên có diện tích lên đến cả trăm mét vuông.
Ngoài ra, tại biên bản làm việc giữa UBND xã Duyên Thái với ông Nguyễn Văn Xuân (hộ vi phạm lấn chiếm bờ sông xây dựng công trình), đại diện gia đình ông Xuân cho biết, nguồn gốc đất là đất lòng sông, do gia đình tự ý chiếm đất, dựng lều lán và làm quán từ nhiều năm trước. Quá trình sử dụng, vì quán xuống cấp, đồng thời do nạo vét sông có vạ đất lên, nên gia đình tự ý cơi nới, sửa sang lại thành công trình như hiện nay mà chưa được cơ quan chức năng cho phép. Thời điểm bắt đầu xây dựng công trình từ năm 1992 và tháng 4/2019, gia đình tiếp tục cơi nới dựng công trình thêm.
Tại biên bản, gia đình cam kết tháo dỡ 1 phần trước ngày 7/11 và giữ lại một phần để sử dụng. Nhưng theo quan sát của phóng viên, gia đình ông Xuân chỉ tháo mấy tấm tôn trên mái nhà, còn khung sắt vẫn để nguyên. Vật liệu, vật dụng của gia đình vẫn bày nguyên tại vị trí cũ. Trao đổi với phóng viên, một người dân thôn Phúc Am bức xúc nói: "Không hiểu sao lại có chuyện ngược đời là công trình vi phạm đã tồn tại hàng chục năm mà chính quyền xã vẫn làm ngơ cho tồn tại. Đến khi cơ quan báo chí phản ánh, người dân có đơn kiến nghị, xã lại cho làm bản cam kết (ngày 7/11/2019) một cách nửa vời (gia đình ông Xuân xin giữ lại một phần để sử dụng)".
Từ thực tế và qua các văn bản của UBND xã Duyên Thái cho thấy, rõ ràng chính quyền xã Duyên Thái vẫn không có biện pháp cứng rắn và kiên quyết đối với sai phạm của hộ ông Xuân. Để giữ nghiêm kỷ cương của pháp luật về đất đai, đề nghị UBND xã Duyên Thái và ngành chức năng huyện Thường Tín có biện pháp dứt khoát đối với sai phạm này.