Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xã hội hóa bóp méo nghệ thuật

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xã hội hóa (XHH) góp phần làm phong phú các tác phẩm, loại hình biểu diễn nghệ thuật.

Tuy nhiên, nhìn vào đời sống nghệ thuật, khán giả không khỏi chạnh lòng vì sự áp đảo của những gameshow hay các vở diễn, tác phẩm nghèo nàn, hời hợt.
Sự độc tôn của gameshow
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, trên sóng truyền hình có gần 100 chương trình truyền hình giải trí (gameshow). Gameshow có mặt suốt 24 giờ, phát sóng cả ngày lẫn đêm. Vào buổi tối cuối tuần, gần như kênh truyền hình nào cũng dành cho loại hình giải trí này. Khán giả dù muốn chuyển đến hàng chục kênh cũng không thể tìm cho mình cái gì đáng xem, nếu không muốn nói là bị thả vào cơn lốc gameshow nhảm nhí.
Năm 2016, chỉ tính riêng khung giờ buổi tối, đến nay THVL1 có đến 27 gameshow phát sóng. Gameshow được các nhà đầu tư giăng lưới khắp nơi, trong đó chương trình ca hát là chủ yếu. Bắt đầu là “Sao mai điểm hẹn” đến “Giọng hát Việt”, “Thần tượng âm nhạc”, “Solo cùng Bolero”, “Thần tượng Bolero”, “Hãy nghe tôi hát”, “Ngôi sao phương Nam”, “Hát vui vui hát”. Chương trình “Gương mặt thân quen” mà đầu tiên của VTV3 được khán giả ái mộ vì sự mới lạ của nó thì ngay sau đó “Người hóa thân số 1” (phiên bản gốc mua từ Mexico), “Ca sĩ giấu mặt” với format bắt chước giọng nghệ sĩ tiếp tục lên sóng Truyền hình Vĩnh Long.
 Gameshow ''Ca sĩ giấu mặt'''.
“Gương mặt thân quen” mới kết thúc trên VTV3 thì ngay sau đó HTV7 tung chương trình “Biến hóa hoàn hảo” và VTV9 tung “Ai tỏa sáng?” cũng là hình thức bắt chước các nghệ sĩ nổi tiếng. Gần đây, trên HTV7 có đến 2 chương trình thi hát nhép giả giọng nghệ sĩ là “Kỳ phùng địch thủ” và “Tuyệt chiêu siêu diễn”.
Trẻ em cũng bị cuốn vào cơn lốc này, người lớn có “Giọng hát Việt”, “Gương mặt thân quen”, “Siêu mẫu”, “Thần tượng âm nhạc” thì trẻ em cũng có ngay “Giọng hát Việt nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Siêu mẫu nhí”, “Siêu hài nhí”, “Thần tượng âm nhạc nhí”… Mùa đầu tiên những chương trình dành cho trẻ em, Ban tổ chức thường bố trí lên sóng dịp hè. Nhưng hiện nay chương trình thiếu nhi phủ sóng quanh năm, bất kể các em có đến trường học hay không khi bị cuốn vào cơn lốc này.
Mục tiêu chỉ để thu lời
Không phải ngẫu nhiên những chương trình gameshow lại được ưu ái chiếu dày đặc đến vậy. Theo bảng giá công khai của Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam, mức giá đối với quảng cáo 30s trên VTV3: “Hòa âm ánh sáng” 300 triệu đồng, “Thần tượng âm nhạc Việt Nam” 260 triệu đồng, “Thần tượng Bolero” 250 triệu đồng, “Song đấu” 200 triệu đồng… Nếu cứ tính theo mức giá quy định, mỗi tập phát sóng, doanh thu từ quảng cáo lên tới hàng chục tỷ đồng. Chưa kể các chương trình có áp dụng tin nhắn bình chọn, phần lợi nhuận còn cao hơn.
Theo PGS.TS Phạm Quang Long - nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội: Chủ trương “toàn xã hội tham gia công tác xã hội hóa”, về thực chất chỉ là huy động các nguồn kinh phí tài trợ cho các chương trình, vở diễn và chịu phụ thuộc vào quan niệm của người tài trợ.
Ở những chương trình này, hội đồng nghệ thuật duyệt chương trình/vở diễn chủ yếu chỉ xem xét nội dung có vi phạm về chính trị, còn chất lượng nghệ thuật bị xem nhẹ. Nhà tài trợ chỉ chú ý đến quảng bá hình ảnh. Nên kết quả là kết thúc buổi xem, khán giả bứt rứt và ức chế. Nhà đầu tư bỏ tiền ra thuê một đội ngũ truyền thông tung hô những thứ họ muốn, gây những tác động lệch với giá trị đích thực của tác phẩm. Sự hạ thấp yêu cầu nghệ thuật đã tạo nên nhận thức ở khán, thính giả là “nghệ thuật bây giờ chỉ ở mức đấy thôi".
Còn theo PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, mặc dù thấy được vai trò, tính thiết thực của mô hình xã hội hóa, nhưng riêng đối với văn học nghệ thuật, quá trình xã hội hóa không hề đơn giản, nhất là trong hoạt động sáng tác và biểu diễn âm nhạc. Đặc biệt, cần có cơ chế hạn chế tình trạng gameshow độc chiếm sóng truyền hình. Có như vậy, chúng ta mới đào tạo được khán giả cho âm nhạc hàn lâm, âm nhạc dân tộc.