Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xã hội hóa cấp nước sinh hoạt tại Ba Vì: Cách làm hay cần nhân rộng

Thiện Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ cơ chế thu hút DN đầu tư xã hội hóa dịch vụ cấp nước sạch nông thôn, hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện Ba Vì sắp có cơ hội được sử dụng nước sạch sinh hoạt.

Gấp rút hoàn thành
Những ngày đầu tháng 6, mặc dù trời nóng như đổ lửa nhưng tại công trình của Dự án trạm xử lý nước sạch sông Đà của Công ty CP Quảng Tây, không khí làm việc vẫn rất tích cực, khẩn trương để theo kịp tiến độ. Dẫn đoàn cán bộ, phóng viên của Hội Nhà báo Hà Nội đi thăm khu xử lý nước sạch, Giám đốc Công ty CP Quảng Tây Nguyễn Thế Sáng cho biết, Công ty đang hoàn thiện nốt những hạng mục công trình để đến cuối tháng 6 có thể bắt đầu cấp nước sạch cho các hộ dân trên địa bàn Ba Vì, trước mắt là xã Phú Đông, tiếp đến là xã Thái Hòa.

Công nhân kiểm tra đường ống tại trạm bơm nước thô của Công ty CP Quảng Tây. Ảnh:  Quang Thiện

Dự án xử lý nước sạch lấy từ nguồn nước sông Đà của Công ty CP Quảng Tây được UBND TP chấp thuận và bắt đầu khởi công vào tháng 4/2016, gồm 2 bộ phận tách rời là trạm bơm nước thô và trạm xử lý nước. Hiện nay, hạng mục trạm nước thô lấy nước từ nguồn sông Đà đã hoàn thành và Công ty đã lắp đặt hệ thống ống gang chôn ngầm đấu nối đến xã Phú Đông, đang triển khai tiếp ở các xã Đồng Thái, Vạn Thắng và một phần xã Chu Minh, Đông Quang. Đây là những địa phương luôn thiếu nước sạch sinh hoạt của huyện Ba Vì. Với tổng số vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng, công suất giai đoạn 1 là 10.000m3/ngày đêm, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ cấp nước cho hàng ngàn hộ dân của từ 11 – 16 xã.
Theo ông Sáng, việc xử lý nước của Công ty được áp dụng theo công nghệ của Đức và hệ thống theo dõi, đánh giá của Pháp nên đảm bảo chất lượng theo Tiêu chuẩn 01 của Bộ Y tế. Hơn nữa, trong vòng 3 tháng qua, Công ty phối hợp với một số sở, ngành, đơn vị liên tục lấy mẫu nước sông Đà vào các thời điểm trưa, chiều, đêm để theo dõi, đánh giá chất lượng. “Chúng tôi cũng phối hợp với Sở KH&CN và nhờ các GS đầu ngành về nước sạch lên tận nhà máy để làm nhiều thử nghiệm, đưa ra công nghệ xử lý nước phù hợp với Việt Nam theo tiêu chuẩn nước sạch sinh hoạt” – ông Sáng cho hay.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
 Ba Vì là huyện miền núi có địa bàn rộng, tuy nhiên nhiều năm qua mới chỉ có một số xã được sử dụng nước sạch từ Nhà máy nước Sơn Tây và trạm cấp nước sạch khu vực Phong Vân, Cổ Đô, còn lại nhiều xã chưa có nước sạch để phục vụ sinh hoạt. Trong khi đó, nguồn nước ngầm lại khan hiếm, mặc dù bà con Nhân dân đã tiến hành khoan giếng nhưng không có nước. Chính vì vậy, huyện đã có cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho các DN đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân trên địa bàn. Đặc biệt là cơ chế tạo điều kiện về đất đai, GPMB, xây dựng hệ thống đường ống từ trạm bơm nước thô đến nhà máy xử lý và đấu nối tới hộ gia đình.
Không những thế, dưới sự kết nối của huyện Ba Vì, nhiều đơn vị cung cấp đường ống cũng sẵn sàng cung cấp nguyên vật liệu cho Công ty để triển khai dự án và các ngân hàng đồng hành về nguồn lực. “Ngoài ra, UBND TP cũng có cơ chế cho phép những dự án không sử dụng nguồn ngân sách có cơ chế đặc thù. Do được tạo điều kiện thuận lợi nên qua một năm triển khai, đến nay, Công ty đã hoàn thành 90% khối lượng công việc, hiện chúng tôi đang xúc xả đường ống để có thể cấp nước vào cuối tháng 6 này” – ông Sáng chia sẻ.
Công ty đang hướng tới cấp nước sinh hoạt cho cả các xã, phường thiếu nước trên địa bàn thị xã Sơn Tây. Giá bán nước sẽ đảm bảo mức ưu đãi cho người dân, đặc biệt là đối với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo…
Giám đốc Công ty CP Quảng Tây  Nguyễn Thế Sáng