Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xã hội hóa công tác cai nghiện bắt buộc: Vướng hành lang pháp lý

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng cường cai nghiện bắt buộc, là một trong những chính sách quan trọng dự kiến sẽ được sửa đổi trong Luật Phòng, chống ma túy.

Cai nghiện ma túy tự nguyện giảm
Theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy có 2 biện pháp cai nghiện ma túy bao gồm: Cai nghiện ma túy tự nguyện (tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và cơ sở cai nghiện); cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện và cộng đồng. Nhưng số liệu thống kê của Bộ Công an cho thấy, giai đoạn từ 2009 - 2016, cả nước đã tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 51.962 lượt người (chiếm 27,38% tổng số người được cai nghiện theo các hình thức); dạy nghề cho 2.677 lượt người; hỗ trợ tạo việc làm cho 1.762 lượt người.
 Ảnh minh họa.
Đến tháng 12/2018, có 2.719 xã, phường, thị trấn thuộc 20 tỉnh, TP thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy. Từ năm 2014, số người cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng giảm mạnh, chỉ còn 5.687 lượt người, tương đương 58% năm 2013; năm 2017 còn 3.566 lượt người và năm 2018 còn 6/63 tỉnh, TP tổ chức cai nghiện cho 4.320 lượt người.
Đến nay, có 23 cơ sở cai nghiện tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập được cấp phép, nhưng 7 cơ sở đã ngừng hoạt động. Có 2 cơ sở quy mô tiếp nhận dưới 60 lượt người/năm và 13 cơ sở trên 100 lượt người/năm. Tính bình quân hàng năm các cơ sở này đã tiếp nhận khoảng hơn 4.000 lượt người.
Hiện nay, phần lớn các cơ sở cai nghiện đã chuyển đổi theo Đề án 2596 nên chất lượng dịch vụ đã có phần cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế vì tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp tăng rất nhanh, trong khi đó, đa số cán bộ chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về quản lý, điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp, chất hướng thần.
Hiện nay, người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở do các tổ chức cá nhân thành lập không nhận được bất cứ hỗ trợ nào từ ngân sách như ở các cơ sở công lập. Trong khi đây là lĩnh vực đầu tư mang tính xã hội, lợi nhuận không hấp dẫn nhà đầu tư. Vì vậy, mô hình này chưa phát huy được hiệu quả cao.
Tạo cơ sở pháp lý
Đối với cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện: Giai đoạn 2009 - 2018, cả nước đã quản lý, cai nghiện bắt buộc cho 289.724 lượt người. Giai đoạn 2017 - 2018, trung bình hàng năm quản lý, cai nghiện cho khoảng 25.000 lượt người.
Tình hình số người nghiện mới gia tăng trong khi công tác cai nghiện nói chung, công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng hiệu quả chưa cao, tỷ lệ tái nghiện ma túy nhiều. Cán bộ làm công tác cai nghiện chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu, công tác xã hội hóa cai nghiện tự nguyện còn nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý khi thành lập.
Đặc biệt, một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về độ tuổi áp dụng, thẩm quyền đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; quy định chưa thống nhất đối với trường hợp người đang cai nghiện bắt buộc bị phạt tù; công tác quản lý sau cai; xử lý, quản lý và cai nghiện đối với người nước ngoài.
Nhằm tăng cường công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc, cơ quan Nhà nước cần có quy định cụ thể về chế độ, chính sách trong công tác cai nghiện. Đặc biệt là chính sách khuyến khích các tổ chức cai nghiện dân lập và cần một cơ chế quản lý chặt chẽ các cơ sở cai nghiện này cho phù hợp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nghiện. Tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, đầy đủ để thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc.
Đối với người nghiện, có nhiều lựa chọn hơn, chế độ chính sách tốt hơn trong việc cai nghiện để trở thành người có ích cho xã hội, tái hòa nhập lại cuộc sống xã hội.