Xã hội hóa xây Đền Hạ di tích Tản Viên Sơn Thánh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau khi Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) phối hợp với UBND huyện Ba Vì công bố Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh...

KTĐT - Sau khi Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) phối hợp với UBND huyện Ba Vì công bố Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh, UBND TP Hà Nội vừa giao Công ty CP Him Lam là chủ đầu tư dự án xây dựng Đền Hạ thuộc dự án tôn tạo di tích lịch sử này.

Theo lãnh đạo Thủ đô, tổng mức đầu tư bao gồm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cho tiểu dự án xây dựng Đền Hạ thuộc dự án trên sẽ được xác định khi dự án đầu tư xây dựng được phê duyệt theo quy định và hoàn toàn bằng vốn của doanh nghiệp cùng đóng góp của các tổ chức, cá nhân (nếu có).

Chủ đầu tư ngoài việc phải lập, triển khai dự án xây dựng Đền Hạ theo đúng quy định của Nhà nước và Thành phố về quản lý đầu tư xây dựng, còn cần tuân thủ sự giám sát, quản lý của UBND huyện Ba Vì cùng các sở ngành liên quan.

Đồng thời, chủ đầu tư phải có văn bản cam kết (kèm theo hồ sơ, tài liệu chứng minh) về việc đảm bảo đủ nguồn vốn đầu tư xây dựng dự án (gồm cả chi phí đền bù giải phóng mặt bằng) phù hợp tiến độ triển khai, gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND TP Hà Nội trong tháng 11/2010 này.

Công trình sau khi đầu tư sẽ được tổ chức bàn giao cho UBND huyện Ba Vì quản lý sử dụng và tiếp nhận trực tiếp công đức của nhân dân tại công trình.

Khu di tích lịch sử Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh gồm đền Hạ, đền Trung và đền Thượng nằm tại sườn Tây dãy núi thiêng Ba Vì thuộc 2 xã Minh Quang và Ba Vì, huyện Ba Vì (Hà Nội). Khu di tích lịch sử quốc gia gắn liền với địa danh dãy núi Ba Vì này từng được ghi trong sách địa dư chí của Nguyễn Trãi là núi tổ của đất Việt.

Nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, Hà Nội nay, di tích này có vị trí quan trọng về địa lý, phong thủy và cũng là nơi ngự trị muôn đời của “Đệ nhất phúc thần” Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh), một trong “Tứ bất tử” của linh thần Việt Nam. Khu di tích này là nơi thờ chính và là nơi gắn liền với những di tích huyền thoại về Đức Thánh Tản.

Cùng với thời gian, các công trình khu di tích Đền đã bị xuống cấp, sự tạo dựng và sửa chữa một cách tự phát thiếu quy hoạch đang làm mất đi những giá trị quý báu của di tích. Thành phố Hà Nội đã giao Vinaconex cùng huyện Ba Vì tổ chức nghiên cứu quy hoạch chi tiết khu di tích Đền và tháng 5/2010 vàư qua Thành phố đã có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch - cơ sở để tiến hành các công tác bảo tồn, tôn tạo và xây dựng khu di tích.