Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức: Cam kết bảo tồn đa dạng sinh học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 2 ngày 9 - 10/8, Sở TN&MT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức và Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực cho chính quyền địa phương, giáo viên, học sinh và người dân xã Hương Sơn về bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và bảo vệ môi trường (BVMT).

“Bảo tàng” đa dạng sinh học

Rừng đặc dụng Hương Sơn là danh lam thắng cảnh nổi tiếng quốc gia, có cảnh quan sinh thái tự nhiên hữu tình. Cách trung tâm Hà Nội 60km, Hương Sơn là một vùng núi đá vôi điệp trùng với địa hình chia cắt phức tạp và nhiều hang động tự nhiên. Hệ sinh thái động, thực vật trên núi đá vôi phong phú và đa dạng, tạo cho Hương Sơn một cảnh quan thiên nhiên đẹp và hấp dẫn cùng với hệ thống đền chùa, miếu mạo nổi tiếng. Các công trình tôn giáo hòa nhập giữa phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp là một đặc trưng của khu du lịch Hương Sơn, hấp dẫn hàng triệu du khách đến vãn cảnh và tham gia lễ hội.
Rừng đặc dụng Hương Sơn (Hà Nội). Nguồn: Internet
Rừng đặc dụng Hương Sơn (Hà Nội). Nguồn: Internet
Ngoài ra, rừng đặc dụng Hương Sơn còn là một kho dự trữ thiên nhiên to lớn về bảo tồn nguồn gen các loài đặc hữu quý hiếm. Sự kết hợp hài hòa giữa điều kiện tự nhiên, xã hội ở đây tạo nên một giá trị đặc biệt quan trọng, đã được Nhà nước xếp hạng quốc gia “loại rừng cảnh quan” để tăng cường quản lý, bảo vệ và đầu tư phát triển. Rừng đặc dụng Hương Sơn là khu di tích lịch sử văn hóa, đồng thời là mái nhà xanh của Thủ đô, có núi, hồ, hang động cùng rừng cây, rừng thú. Rừng đặc dụng được quy hoạch với vùng chính 4.355ha và 1.191ha vùng đệm. Hệ thực vật có 185 họ, 577 chi, 873 loài, trong đó có 25 loài thực vật quý hiếm có tên trong sách Đỏ. Hệ động vật có 288 loại thuộc 84 họ, 26 bộ, trong đó có 40 loài động vật quý hiếm có giá trị kinh tế cao và có một loài mới phát hiện được trong năm 2011. Thành phần côn trùng cũng rất phong phú với 374 loài thuộc 65 họ, 13 bộ... Với những giá trị to lớn về đa dạng sinh học, sự hài hòa trong cảnh quan và đặc biệt có chùa Hương - một điểm hành hương nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, hàng năm nơi đây thu hút từ 1,4 - 1,5 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

Để Hương Sơn mãi là viên ngọc quý

Với những giá trị nổi bật về tiềm năng thiên nhiên, có ý nghĩa về văn hóa, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Hương Sơn đến năm 2020. Mục tiêu của việc lập quy hoạch nhằm quản lý bảo tồn và phát triển, sử dụng rừng bền vững, nâng cao tính ĐDSH và khả năng phòng hộ môi trường. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế của rừng đặc dụng Hương Sơn.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển bền vững cho khu vực này, Sở TN&MT đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thu hút sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân nơi đây vào công tác bảo tồn ĐDSH, BVMT xã Hương Sơn. Dựa trên kết quả điều tra, khảo sát xã Hương Sơn được thực hiện trong năm 2016, Sở TN&MT Hà Nội đã phối hợp với chính quyền địa phương xã Hương Sơn tổ chức ký cam kết BVMT giữa đại diện các tổ chức, đơn vị, cơ sở sản xuất, hộ gia đình cá nhân với UBND xã Hương Sơn. Tập huấn cung cấp kiến thức về bảo tồn ĐDSH, BVMT cho người dân, chính quyền địa phương và Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn.

Ngoài ra, Sở TN&MT cũng đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Biến đổi khí hậu tổ chức cuộc thi “Sáng tác thơ ca, vẽ tranh về BVMT, bảo tồn ĐDSH trên địa bàn xã Hương Sơn”, nhằm tuyên truyền về BVMT và bảo tồn ĐDSH, qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng tại xã Hương Sơn. Theo kế hoạch, năm 2017, Sở TN&MT sẽ áp dụng thí điểm mô hình “Sống xanh” tại xã Hương Sơn. Tại đây, các hộ gia đình tham gia mô hình sẽ được các chuyên gia hướng dẫn phân loại rác, tận dụng chất thải thực phẩm thừa làm phân hữu cơ. Hướng dẫn trồng rau sạch, cây xanh giúp làm sạch, giữ gìn môi trường, tăng thu nhập và quảng bá thực phẩm sạch cho người dân.