Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương ngày 15/11, Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) dẫn lại những thời điểm thuỷ điện Hố Hô và An Khê-Kanak xả lũ mà không thông báo từ năm 2011 đến tháng 11/2006 vừa qua gây nhiều thiệt hại cho người dân. Đại biểu đề nghị “Bộ trưởng cho biết có phương án xử lý sai phạm thế nào, rà soát thế nào xung quanh cái gọi là vận hành đúng quy trình tại các công trình thủy điện?”.
Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết “chúng ta không phát triển thủy điện bằng mọi giá”. Như đã báo cáo, về cơ bản, nước ta đã khai thác hết thủy điện lớn, các thủy điện nhỏ và vừa đã xem xét, đánh giá lại, đưa ra khỏi quy hoạch những dự án không đảm bảo.
Để bảo đảm an toàn khi xả lũ, theo quy định, các công trình thuỷ điện phải đảm bảo 3 yếu tố mới được cấp phép hoạt động. Cụ thể là có phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và có phương án được phê duyệt tại địa phương, có sự tham gia của chủ đập, chủ thủy điện; có quy trình xả lũ được phê duyệt (công trình có dung tích 1 triệu mét khối trở lên công suất 30 MW do Bộ Công Thương phê duyệt quy trình xả lũ, dưới mức này do địa phương phê duyệt); các chủ đập và doanh nghiệp đều phải tham gia cùng địa phương xây dựng phương án phòng chống lũ ở hạ lưu và bảo đảm an toàn cho hạ lưu khi xả lũ.
Vấn đề này đã được tuân thủ đối với các dự án đã cấp phép, kể cả thuỷ điện Hố Hô và An Khê-Kanak. Tuy nhiên lại có thực tế là các đập thuỷ điện khi xả đều gây ra bức xúc trong dư luận, cụ thể là thuỷ điện Hố Hô và An Khê-Kanak.
Tại sao có vấn đề này? Bộ Công Thương tổ chức kiểm tra đánh giá cụ thể và nhận thấy, quy trình có nhưng nhiều khi vệc chấp hành, vận hành quy trình máy móc. Theo quy định, chủ đập phải thông báo cho chính quyền địa phương ở hạ lưu trước khi xả lũ nhưng lại không nói rõ hình thức nào và bảo đảm yêu cầu như thế nào?
Nhiều khi chủ đập thông báo không đầy đủ về thông tin xả lũ thủy điện, vì các lý do mất điện, thậm chí đánh kẻng báo động nhưng không nghe thấy.
Sự chủ động phối hợp giữa các chủ đập với địa phương không bảo đảm. Hoặc ở trường hợp thuỷ điện Hố Hô xả lũ vừa qua, chủ đập gọi điện báo cáo nhưng chính quyền địa phương không nghe máy, sau đó cũng không liên lạc lại được dẫn đến tình trạng thông tin không xuyên suốt. Ngoài ra, hệ thống qua trắc của các thủy điện chưa đảm bảo...
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương sẽ tổng kiểm tra lại, rà soát đánh giá chất lượng quy trình xả lũ và phương án phòng chống lụt bão, đặc biệt là đảm bảo an toàn xả lũ theo quy định; kiểm tra lại hoạt động phòng chống lụt bão cũng như về bảo đảm an toàn của thủy điện khi xả lũ tại địa phương, xem xét tổ chức tập huấn, làm rõ trách nhiệm của các bên, trong đó có chính quyền địa phương cũng như chủ đập, kèm theo chế tài. “Đối với doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ và vi phạm sẽ không cho tham gia hoạt động điện lực và rút giấy phép”, Bộ trưởng Bộ Công thương nói.