Chưa quản hết
Chương Mỹ là một trong những huyện có diện tích sản xuất nông nghiệp và đàn gia súc, gia cầm lớn nhất TP nên việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), ATTP nông, lâm, thủy sản khá phức tạp. Ông Hoàng Văn Thám – Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, tỷ lệ kiểm soát giết mổ trên địa bàn còn thấp. Đáng chú ý, công tác quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và ATTP nông lâm thủy sản theo Quyết định 2582/QĐ-UBND ngày 5/6/2015 của UBND TP còn hạn chế, nhất là cấp xã. Theo ông Thám, nguyên nhân cơ bản do nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ lãnh đạo cấp xã chưa cao nên chưa dành sự quan tâm đúng mức tới công tác này.
Tương tự, tại Thường Tín, toàn huyện có 534 cơ sở sản xuất và 79 cơ sở kinh doanh nông lâm thủy sản. Ngoài ra huyện còn có 21 chợ, trong đó có chợ Hà Vỹ (xã Lê Lợi) là chợ gia cầm đầu mối lớn nhất TP. Để quản lý tốt vấn đề ATTP, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đang triển khai đánh giá, phân loại cơ sở kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, theo bà Đặng Thị Thanh Hương – Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Thường Tín, cấp huyện và xã chưa có cán bộ chuyên trách về ATTP nên công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản còn lúng túng. Nhiều hộ kinh doanh VTNN hoạt động theo mùa vụ, không đăng ký kinh doanh gây khó khăn cho việc thống kê, theo dõi cũng như thanh, kiểm tra.
Ở khu vực nội thành, vấn đề quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cũng đang gặp rất nhiều vướng mắc. Theo đại diện Phòng Kinh tế quận Thanh Xuân, việc phân cấp quản lý kinh doanh nông lâm thủy sản cho các phường gặp khó khăn do cán bộ phường phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, chuyên môn không vững. Đa số các phường trên địa bàn quận Thanh Xuân đang giao cho cán bộ thú y phụ trách nên việc hướng dẫn và cấp giấy chứng nhận ATTP cho các hộ kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu.
Không ào ào, hình thức
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, trong quý I/2016, các quận, huyện, thị xã đã tiến hành thanh kiểm tra 461 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Kết quả có 64 cơ sở không đảm bảo yêu cầu theo quy định, chiếm tỷ lệ 9,83%. Đáng nói là việc xử lý vi phạm mới chủ yếu chỉ dừng lại ở nhắc nhở, cảnh cáo nên chưa có sức răn đe.
Đánh giá của Sở NN&PTNT cho thấy, hệ thống cơ sở dữ liệu về thống kê, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thuộc thẩm quyền quản lý của các quận, huyện, xã, phường chưa được cập nhật đầy đủ, thường xuyên. Chính vì vậy, để quản lý tốt hơn vấn đề ATTP phải siết chặt ngay từ cấp cơ sở. Nhiều địa phương kiến nghị, TP cần tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ của quận, phường làm công tác ATTP. Đồng thời hướng dẫn cơ sở mua sắm các trang thiết bị xét nghiệm tồn dư hóa chất cấm trong rau, thịt, cá làm căn cứ để xử lý vi phạm.
Theo ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để quản lý tốt hơn ATTP nông, lâm, thủy sản, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, các hộ sản xuất ý thức chấp hành quy định về ATTP. Trong đó, thay đổi phương thức tập huấn theo hướng cầm tay chỉ việc cho người nông dân, không tuyên truyền ào ào, hình thức. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của cán bộ ở cấp cơ sở. Tới đây, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP các văn bản chỉ đạo nâng cao vai trò của chính quyền các cấp trong quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản.
Kiểm tra nguồn gốc thịt gà tại chợ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Quang Thiện
|
Trong quý II/2016, Sở NN&PTNT tập trung kiểm soát chất lượng rau, thịt, nhất là chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản. Qua đó công khai các cơ sở vi phạm cũng như cơ sở đảm bảo ATTP. |