70 năm giải phóng Thủ đô

Xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa: Đau đầu... vì rác

Bài, ảnh: Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do có nghề tái chế đồ nhựa, nên mỗi ngày có hàng trăm xe lớn nhỏ chở các loại phế liệu nối đuôi nhau về thôn (làng) Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa.

Hiện làng Xà Cầu có hơn 170/800 hộ làm nghề tái chế phế liệu nên từ sân nhà ra đến đường làng, ngõ xóm, gần như chỗ nào cũng “ních” chặt các loại phế liệu từ khắp mọi nơi đổ về.

Kiếm tiền từ rác

Dù đã có hẹn nhưng ông Nguyễn Bá Huê - Bí thư Chi bộ vẫn đề nghị phóng viên gặp Trưởng thôn Nguyễn Xuân Toản để nắm bắt thông tin. Gặp Trưởng thôn Xà Cầu Nguyễn Xuân Toản, sau những trao đổi về thời tiết, nghề nông, thì chủ đề chính là "rác thải " của làng nghề. “Hàng ngày, nếu bắt gặp những xe chở phế thải cồng kềnh trên Quốc lộ 21B, anh cứ yên tâm, kiểu gì thì đích đến của nó cũng là làng Xà Cầu” - ông Toản chia sẻ.
 Người lao động ở Xà Cầu liên tục làm việc trong môi trường ô nhiễm.
Người làm nghề của làng Xà Cầu quanh năm nhặt nhạnh, thu gom phế liệu đem về tái chế. Về làng Xà Cầu nhận thấy, ở đây gần như không có cảnh người nhàn rỗi, bởi người lớn có việc lớn, bé làm việc nhỏ, ai cũng chuyên cần với phần việc của mình. Những thứ thiên hạ bỏ đi là nguyên liệu cho nghề tái chế đồ nhựa của làng. Phế liệu sau khi được thu gom, phân loại, rửa sạch đưa vào máy cán thành hạt nhựa và xuất bán. "Ở Xà Cầu, chỉ những người đau ốm mới không làm ra tiền. Còn lại “tùy sức vác gạch”, ai cũng có việc làm. Người khỏe thì đứng máy nghiền, máy xả nước, bốc hàng lên xuống xe cho thu nhập cao; còn người già, trẻ em thì phân loại, bóc nhãn mác, xúc chai lọ… mỗi ngày cũng kiếm được trên dưới 100.000 đồng." – ông Toản cho biết thêm.

Khổ cũng vì rác

Theo Trưởng thôn Nguyễn Xuân Toản, hiện tại rác sinh hoạt của Xà Cầu vẫn do Công ty Sản xuất rau sạch Sông Hồng vận chuyển. Thế nhưng đầu ra cho rác thải từ tái chế phế liệu đang là chuyện đau đầu, bởi làng Xà Cầu có tới 175 hộ làm nghề tái chế phế liệu. Mỗi ngày số hộ này thải ra khoảng 5 tấn rác, do chưa có đơn vị thu gom nên số rác trên vẫn quẩn quanh trong làng. Ngoài ra còn hàng trăm m3 nước thải từ sản xuất, tất cả đều được xả thẳng ra môi trường…

Một người dân ở đầu thôn Quảng Nguyên (cùng xã Quảng Phú Cầu) bức xúc cho biết, nhiều người thiếu ý thức, tranh thủ lúc nửa đêm, gần sáng lén đem rác ra đồng đốt, khiến không chỉ những người Xà Cầu bị ảnh hưởng mà các thôn lân cận cũng bị vạ lây. Năm ngoái, người dân đã phải chặn đường để phản đối việc đốt rác thải tại thôn Xà Cầu. Chính quyền xã và huyện đã phải cho đóng cửa bãi rác, nhưng việc đốt rác ở đây vẫn diễn ra như cơm bữa.

Hình như với đồ phế thải bằng nhựa, người Xà Cầu không “chê” thứ gì. Từ vỏ ô tô, xe máy, can, thùng, chậu, vỏ chai. ống nước, tấm lợp, đến con lợn nhựa bé tí đều được gom về. Nước thải từ sơ chế nhựa theo cống rãnh chảy ra, khiến sông ngòi luôn ngầu đục. Bầu không khí trong làng lúc nào cũng phảng phất mùi khét của nhựa. Ngoài ra, người dân trong làng còn bị tiếng ồn của hàng trăm máy ép nhựa tra tấn suốt ngày. Sau tái chế, những thứ rác rưởi còn lại chẳng biết mang đi đâu, nên nhà nào có mảnh sân, góc vườn thì “lèn” vào đấy. Quanh làng Xà Cầu, gần như chỗ nào cũng chất đầy rác cùng với nỗi lo về cháy do rác.

Với mong muốn làng nghề được hỗ trợ xử lý rác thải, cựu Phó Trưởng thôn Xà Cầu Nguyễn Bá Nhất bày tỏ, mong các cấp chính quyền TP sớm giúp người Xà Cầu phương án xử lý rác thải đang từng ngày chất cao như núi. Trước mắt, là một đơn vị có chức năng thu gom và xử lý rác thải sau tái chế.