Xả thải hủy hoại môi trường: Vi phạm nhiều, xử lý khó

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ TN&MT, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp cố tình xả thải hủy hoại môi trường. Tuy nhiên, việc thanh, kiểm tra đột xuất để bắt quả tang vi phạm rất khó vì theo quy định phải có kế hoạch và thông báo trước cho đơn vị xả thải.

Vì vậy, nhiều vụ xả thải hủy hoại môi trường, Thanh tra Bộ TN&MT chỉ có thể xử phạt hành chính đối với đơn vị vi phạm thay vì xử lý hình sự.

 
Xả thải hủy hoại môi trường: Vi phạm nhiều, xử lý khó - Ảnh 1Xả thải hủy hoại môi trường: Vi phạm nhiều, xử lý khó - Ảnh 2

Các thùng thuốc trừ sâu do Công ty Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa) chôn trong lòng đất đã được tìm thấy tại hiện trường. Ảnh: Đức Lê
Kiểm tra ở đâu cũng thấy vi phạm 

Theo thống kê của Bộ TN&MT, từ năm 2012 đến hết tháng 10/2013, Thanh tra Bộ đã triển khai 31 cuộc thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với 669 tổ chức. Qua thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 22 tỷ đồng. Đặc biệt, vấn đề nhức nhối nhất nằm trong khâu thanh, kiểm tra các doanh nghiệp xả thải hủy hoại môi trường. Những vụ vi phạm nghiêm trọng trong thời gian qua phải kể đến vụ chôn thuốc trừ sâu trong lòng đất của Công ty Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa); vụ "bức tử" môi trường của Công ty Thuộc da Hào Dương (TP Hồ Chí Minh) và hàng loạt doanh nghiệp trên cả nước. Thấy rõ những tác động to lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường do các doanh nghiệp này gây ra, tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại gặp khó khăn trong khâu xử lý. 

Ông Lê Kế Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) nhìn nhận, không phải vi phạm bây giờ nhiều hơn trước mà do khâu thanh, kiểm tra làm mạnh hơn nên nhiều doanh nghiệp bị phát hiện. Đặc biệt có nhiều đợt làm mạnh kiểm tra bất kỳ đơn vị nào cũng phát hiện sai phạm. Điển hình là vụ xả thải của Công ty Thuộc da Hào Dương, trước khi bị UBND TP Hồ Chí Minh ra quyết định đình chỉ, đơn vị này đã bị xử phạt hành chính tới 9 lần. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Doanh nghiệp bị xử lý hành chính nhiều, tại sao không chuyển sang xử lý hình sự? Nhưng trên thực tế, Bộ TN&MT chỉ có thẩm quyền thanh, kiểm tra, còn truy tố hay xử lý hình sự thuộc thẩm quyền của Bộ Công an. Với vụ Công ty Nicotex Thanh Thái chôn thuốc trừ sâu trong lòng đất hay hàng loạt vụ xả thải hủy hoại môi trường nghiêm trọng, Bộ Công an cho rằng, chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự. 

Cần sự phối hợp đồng bộ

Ông Chu Phạm Ngọc Hiển - Thứ trưởng Bộ TN&MT cho hay, hiện nay, các vụ việc chủ yếu xử lý hành chính mà không xử lý hình sự, bởi chính sách có những vấn đề bất cập. Nhiều vụ việc chỉ mang tính chất định tính, chưa định lượng được mức độ hủy hoại môi trường cũng như thiệt hại cụ thể cho người dân sống trong vùng bị ảnh hưởng; xem vụ việc đó thuộc khung xử lý hành chính hay hình sự, trong khi luật pháp còn thiếu những quy định, chế tài cụ thể. "Các văn bản pháp quy hiện nay chưa quy định cụ thể thế nào là nghiêm trọng, cực kỳ nghiêm trọng, từ đó gây ra khó khăn trong công tác xử lý vi phạm. Để giải quyết các tồn đọng, phải có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, nếu chỉ riêng ngành TN&MT, rất khó giải quyết triệt để" - ông Hiển thừa nhận. 

Hiện, Bộ TN&MT đang kiến nghị với Chính phủ đưa vào luật quy định về trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp xả thải ra môi trường. Luật hiện quy định thời hiệu khởi kiện là 2 năm nhưng có nhiều trường hợp, sau khi xả thải 10 - 20 năm, môi trường mới bắt đầu bị phá hủy. Cụ thể, xã Thạch Sơn (Lâm Thao - Phú Thọ) bị đầu độc môi trường nhiều năm đã gây ra làng "ung thư". Do đó, nhiều ý kiến đề nghị cho khởi kiện ngay khi phát hiện vi phạm. 

Theo Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, thời gian qua, Bộ TN&MT và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an) đã có sự phối hợp chặt chẽ, nếu vụ nào có thể truy tố được sẽ truy tố. "Tuy nhiên, việc thanh, kiểm tra phải tuân thủ theo quy định của Luật Thanh tra, phải công khai, minh bạch theo chương trình, kế hoạch được thông báo trước. Tất nhiên, luật cũng cho phép thanh, kiểm tra đột xuất trong một số trường hợp đặc biệt nhưng phải giảm thiểu nhằm hạn chế gây phiền hà cho doanh nghiệp" - ông Hiển thông tin.