70 năm giải phóng Thủ đô

Xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai: Làng nghề mở lối thoát nghèo

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiếm tỷ trọng về giá trị kinh tế tới 64%, ngành tiểu thủ công nghiệp với trọng tâm là làng nghề đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai).

Công nhân làm việc tại một xưởng mộc ở xã Thanh Thùy.
Theo thống kê, xã Thanh Thùy hiện có 6/6 thôn có nghề, trong đó, 5/6 thôn có nghề kim khí, riêng thôn Dư Dụ phát triển nghề mộc, điêu khắc gỗ. Năm 2017, tổng giá trị sản xuất kinh tế toàn xã Thanh Thùy đạt khoảng 353 tỷ đồng, trong đó, nhóm ngành tiểu thủ công nghiệp đạt trên 226 tỷ đồng.
Bí thư Chi bộ thôn Rùa Hạ Lý Văn Chính cho biết, toàn thôn có 750 hộ thì có đến 80% tổng số hộ tham gia làm nghề kim khí. Sự phát triển tương đối ổn định của nghề giúp cho đời sống của người dân trong thôn trở lên khấm khá hơn. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã đã đạt khoảng 42 triệu đồng/năm. Không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho 5.493 người dân trên địa bàn xã, nghề kim khí và mộc, điêu khắc gỗ còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động các địa phương lân cận…

Để phục vụ sự phát triển theo định hướng bền vững của các làng nghề truyền thống, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận để huyện Thanh Oai xây dựng, phát triển điểm công nghiệp làng nghề tập trung xã Thanh Thùy rộng khoảng 5ha. Đến nay, đã có 41 DN với khoảng 700 lao động vào sản xuất tại điểm công nghiệp tập trung. Tuy nhiên, con số này được cho là còn rất khiêm tốn.

Việc các hộ sản xuất vẫn tập trung đông tại các khu dân cư làm phát sinh vấn đề môi trường, đặc biệt là về tiếng ồn, bụi gỗ và sơn mạ bóng. Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy Nguyễn Đức Tuế cho biết, để từng bước giải quyết bài toán trên, TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ khí, kim khí xã Thanh Thùy, công suất 4.000m3/ngày đêm. Hiện, dự án vẫn đang được tích cực triển khai, sau khi hoàn thành, sẽ góp phần quan trọng giảm thiểu những nguy cơ gây ô nhiễm từ hoạt động làng nghề trên địa bàn.

Cũng theo ông Tuế, hiện, diện tích nông nghiệp toàn xã còn khoảng 328ha. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế không cao. Địa phương xác định phát triển làng nghề là hướng nâng cao thu nhập bền vững cho người dân. “Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các hộ gia đình, DN đầu tư phát triển nghề kim khí và mộc, điêu khắc gỗ. Khuyến khích các hộ vào sản xuất tại điểm công nghiệp tập trung. Quan tâm chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, nhất là tại các lò mạ kim khí, phun sơn bóng, hướng tới phát triển bền vững các làng nghề. Mục tiêu phấn đấu kinh tế năm 2018 tăng 15% so với năm 2017 và giảm thêm 0,2% hộ nghèo” – ông Tuế thông tin.