Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc. Đồng chủ trì có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Bí thư Ban Cán sự Đảng; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, Bí thư Đảng đoàn HĐND TP
Lũy kế giải ngân đạt 62,9% tổng mức vốn kế hoạch trung hạn
Mở đầu hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thành phố đang dành mọi nguồn lực phục vụ công tác này.
Cùng với đó, thành phố cũng chuẩn bị những giải pháp để hạn chế thiệt hại kinh tế do dịch gây ra, duy trì và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Theo Chỉ thị của Chính phủ, nhiều lĩnh vực kinh doanh vẫn phải tiếp tục duy trì; đồng thời phải có những định hướng lâu dài về đầu tư công để thực hiện các giải pháp mạnh mẽ nhằm phục hồi đà tăng trưởng sau khi đẩy lùi dịch bệnh.
“Đây là giai đoạn cần tập trung bàn thảo về thể chế, chính sách và những quyết sách lớn nhằm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục trong đầu tư công để chuẩn bị phục hồi đà tăng trưởng kinh tế. Nếu chuẩn bị tốt sẽ giảm thiểu được những khó khăn kinh tế của thành phố Hà Nội trong giai đoạn tới”- Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định.
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020 được thực hiện trong bối cảnh Luật Đầu tư công mới có hiệu lực, khi xây dựng Kế hoạch hệ thống văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ. Quốc hội giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách của TP Hà Nội từ 42% xuống còn 35% ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cân đối, bố trí vốn cho kế hoạch đầu tư công; có nhiều dự án chuyển tiếp từ cuối năm 2015 sang giai đoạn 2016 – 2020.
Tại lần cập nhật, điều chỉnh gần nhất (Nghị quyết số 26 ngày 4/12/2019 của HĐND TP), HĐND TP đã quyết nghị Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2016 – 2020 với Tổng mức kế hoạch vốn trung hạn là 107.303,365 tỷ đồng. Trong đó, các dự án, nhiệm vụ đầu tư cấp TP là 84.396 tỷ đồng, chiếm 78,7% tổng mức vốn trung hạn; ngân sách TP hỗ trợ cấp huyện đầu tư là 22.907 tỷ đồng, chiếm 21,3%.
Giai đoạn 2016 – 2019, TP đã cân đối bố trí kế hoạch 79.115 tỷ đồng, đạt 73,7% kế hoạch so với tổng mức vốn kế hoạch trung hạn được duyệt. Lũy kế giải ngân giai đoạn 2016 – 2019 là 67.490 tỷ đồng, đạt 85,3% kế hoạch đã giao và bằng 62,9% tổng mức vốn kế hoạch trung hạn đã được phê duyệt.
Về kế hoạch đầu tư phát triển năm 2020, TP chi đầu tư công cấp TP là 21.903,917 tỷ đồng. Bố trí vốn cho 207 dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp TP; mức vốn 14.972 tỷ đồng trong đó có 123 dự án chuyển tiếp và 84 dự án khởi công mới; ngân sách TP hỗ trợ cấp huyện là 3.906 tỷ đồng cho 234 dự án.
Lũy kế bố trí kế hoạch vốn trung hạn đến nay là 101.019 tỷ đồng, đạt 94,14% kế hoạch. Trong đó, các dự án và nhiệm vụ chi đầu tư cấp TP là 79.867 tỷ đồng, đạt 94,63% so với tổng mức vốn; nhóm các dự án hỗ trợ cấp huyện là 21.152 tỷ đồng, đạt 92,33% kế hoạch trung hạn.
Nhìn chung, các công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc dân sinh, giảm thiểu ùn tắc giao thông, đảm bảo môi trường, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, nhất là hệ thống giao thông với các tuyến đường kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước; đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.
Cùng với việc thu hút đầu tư ngoài ngân sách, TP đang hướng tới cung cấp các dịch vụ đạt chuẩn quốc tế như trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cần điều chỉnh vốn cho những dự án cấp thiết
Để hoàn thành Kế hoạch Đầu tư công trung hạn từ nay đến hết năm 2020, Ban Cán sự Đảng UBND TP đề xuất, ngay trong tháng 4/2020, cho phép điều chỉnh, điều hòa đối với phần Kế hoạch vốn đã giao năm 2020 với số vốn là 1.772 tỷ đồng trên nguyên tắc: Giảm vốn của các dự án còn vướng mắc, chậm triển khai, để bổ sung cho các dự án cấp thiết, các dự án thiếu vốn cần đẩy nhanh tiến độ, để tăng tỷ lệ giải ngân và sớm có thêm các công trình hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng để nâng cao hiệu quả đầu tư.
Bên cạnh đó, trên cơ sở các kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ban Cán sự Đảng UBND TP đề xuất chưa thực hiện cắt giảm đầu tư công và trước mắt chưa phân bổ 4.002 tỷ đồng nguồn vốn kết dư ngân sách đã cân đối trong kế hoạch trung hạn. Trong trường hợp sớm kiểm soát được dịch bệnh, thu ngân sách khả quan, các dự án đảm bảo đủ điều kiện ghi kế hoạch vốn thì tiếp tục xem xét, phân bổ tiếp 4.002 tỷ đồng từ nguồn vốn kết dư ngân sách cho đầu tư công để hoàn thành Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà nêu một số nguyên nhân khiến cho tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm như: Quy định, quy trình GPMB còn nhiều bước. Việc thay đổi nhân sự bộ máy địa phương sẽ ảnh hưởng đến tiến độ GPMB. Tiến độ dự án, dự báo thu ngân sách cũng hụt thu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho rằng mặc dù tỷ lệ giải ngân đã cao hơn trong nhiệm kỳ này nhưng tỷ lệ này vẫn chưa đạt được như mong muốn. Đồng thời nhấn mạnh việc khắc phục khó khăn phải phụ thuộc vào sự chủ động của Chủ đầu tư, sở ngành. Các Ban QLDA sớm lựa chọn cán bộ vào vị trí quan trọng, phải thông thạo về trình tự thủ tục, trình tự pháp lý.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, trong giai đoạn vừa qua, TP không đầu tư dàn trải mà điều hành vốn đầu tư công tập trung hơn để phát huy hiệu quả các dự án tốt hơn. Đối với các đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, các đề xuất này để nhằm điều tiết vốn, ưu tiên cho các dự án có khả năng hấp thụ vốn tốt, đặc biệt là tập trung vào các dự án dân sinh, giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới, dự án cấp bách phòng chống thiên tai bão lũ, dự án đầu mối giao thông.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trung hạn là nhiệm vụ song song với phòng chống dịch Covid-19
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá cao những nội dung mà Ban Cán sự Đảng UBND TP đề xuất. Đến nay, “bức tranh” cân đối vốn của TP có nhiều điểm tích cực. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng TP hoàn toàn có khả năng hoàn thành được kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm đã đề ra.
Về phân bổ và giải ngân đầu tư công, Bí thư Thành ủy cho rằng UBND TP đã làm kịp thời và HĐND TP đã tạo mọi điều kiện với tinh thần chia sẻ, xây dựng, giúp cho không có nguồn nào tồn đọng. Điều này cũng cho thấy các sở ngành, địa phương và các Ban QLDA sau kiện toàn đã làm việc nỗ lực cố gắng, mặc dù chúng ta đang vướng rất nhiều thể chế, chính sách chung.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cũng chỉ rõ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với yêu cầu, do cả những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Trong đó, có nguyên nhân do năng lực tổ chức thực hiện tại một số đơn vị còn có những vướng mắc, đình trệ. Do vậy, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: Trong quý II/2020, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trung hạn là nhiệm vụ quan trọng, song song với nhiệm vụ cấp bách là phòng chống dịch.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ gợi mở, UBND TP cần thành lập Ban Chỉ đạo hoặc Tổ công tác đặc trách để thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiến độ giải ngân vốn đầu từ công trung hạn. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, thống kê từng vướng mắc, ai là người thực hiện, khi nào phải xong và đốc thúc mọi công tác. Có thể giao ban trực tuyến, bám sát thực hiện các nhiệm vụ giải ngân vốn không kém gì nhiệm vụ chống dịch.
Đồng thời, Bí thư Thành ủy cũng đề nghị Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với Sở KH-ĐT xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng dẫn đảm bảo an toàn để thực hiện các dự án trong mùa dịch. Có cơ chế công khai, minh bạch tiến độ thực hiện để đơn vị nào trì trệ sẽ thấy được ngay.
Về các kiến nghị của TP, Bí thư Thành ủy đồng tình và đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND TP tiếp tục có nghiên cứu, cập nhật theo nguyên tắc tích cực và thận trọng. Trong đó, cần phân loại các dự án theo thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, HĐND TP; đồng thời điều chỉnh vốn đối với các dự án có khả năng hấp thụ vốn, triển khai được. Ngoài ra, TP cần có báo cáo Chính phủ để xem xét tổ chức thực hiện một số cơ chế như cho phép giải ngân các dự án ODA theo tiến độ dự án; quy trình thủ tục rút gọn trong GPMB; tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP lên mức trên 35% để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn tới.