Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tại buổi làm việc với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chiều 24/3. Cùng tham dự có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải.
Triển khai hiệu quả nhiều đề tài nghiên cứu khoa học
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Văn Hoạt cho biết: Trong năm 2021, Viện đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ do Thành ủy, HĐND, UBND TP giao, đạt kết quả tích cực. Trọng tâm là triển khai, xây dựng các báo cáo chuyên đề, đề tài, đề án thực hiện các Chương trình số 02, 03, 06, 07, 09 của Thành ủy khóa XVII trên các lĩnh vực kinh tế, đô thị, an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, đã hoàn thành và gửi TP 5 báo cáo; hoàn thiện báo cáo 6 nhiệm vụ...
Cùng với đó, Viện đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đột xuất quan trọng được TP giao như: “Nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách được đề xuất trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2021”; “Báo cáo đánh giá thực hiện các Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2011 - 2020”...
Công tác hợp tác trong nước và quốc tế tiếp tục được quan tâm. Đã ký kết 5 thỏa thuận hợp tác giữa Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội với đơn vị trong và ngoài TP. Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm 2022, Viện đã tiến hành đánh giá tác động các chính sách đề xuất trong Luật Thủ đô (sửa đổi); đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 11/NQ-TW; lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
Viện đã trình UBND TP Hà Nội đề xuất lại chức năng, nhiệm vụ, cơ chế tài chính của Viện sau khi Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực, thay thế cho Nghị định số 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Chiến lược phát triển Viện. Đồng thời rà soát, điều chỉnh một số quy chế, quy định làm việc tại Viện phù hợp với tình hình mới.
Ngoài ra, trong 3 tháng đầu năm, Viện đã chủ động nghiên cứu, xây dựng 2 báo cáo chuyên đề gửi lãnh đạo TP tham khảo chuyên đề “Phát triển nguồn lực cho chuyển đổi số trên địa bàn TP Hà Nội: Thực trạng và đề xuất kiến nghị” và chuyên đề “Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19, thúc đẩy phục hồi kinh tế Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025”.
Cần chính sách đặc thù phát triển khoa học và công nghệ
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm 2022 và thời gian tới, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội đề xuất TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách đề xuất đưa vào Luật Thủ đô sửa đổi; trong đó, chính sách đặc thù phát triển khoa học và công nghệ của Thủ đô có nội dung, tạo cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động của Viện
Đồng thời, sớm ban hành Quyết định quy định, chức năng nhiệm vụ của Viện thay thế Quyết định số 50/2016/QĐ-UBND, ngày 12/12/2016 của UBND TP, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển của Viện. Đề nghị TP sớm phê duyệt Chiến lược phát triển Viện.
Để tạo thuận lợi và hiệu quả trong hoạt động, Viện đề nghị TP cho phép mở rộng đối tượng áp dụng và tiếp tục bố trí nguồn kinh phí để trả thù lao các chuyên gia trong nước và nước ngoài (nếu có) làm việc tại Viện.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội cần có chính sách đặc thù để tuyển dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ vào làm việc tại Viện. Viện cũng kiến nghị TP tiếp tục xem xét, cho phép Viện thực hiện cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng đối với loại nhiệm vụ không phải là nhiệm vụ khoa học công nghệ nhưng có tính chất tương tự.
Đối với nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô được TP giao nhiệm vụ là cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô trong bối cảnh thời gian rất ngắn (tháng 12/2022 cơ bản hoàn thành). Trong khi đây là Quy hoạch mới, rất khó, đặc biệt với Thủ đô Hà Nội, hiện chưa có đơn vị tư vấn nào có kinh nghiệm thực hiện; việc lập quy hoạch và phải hoàn thành toàn bộ các công việc đến hết tháng 12/2022 là không thể hoàn thành theo tiến độ, khó đảm bảo chất lượng tốt.
Về cơ sở vật chất, mặc dù đã gần 25 năm hoạt động, song Viện chưa được bố trí trụ sở làm việc ổn định, Viện đã 6 lần thay đổi trụ sở tại nhiều quận của TP (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hà Đông, Cầu Giấy). Đáng nói, do diện tích được thuê chật hẹp, nên việc bố trí phòng họp, phòng hội thảo, phòng làm việc của chuyên gia, lãnh đạo cơ quan, nghiên cứu viên... còn hạn chế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của cơ quan nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là hệ thống hạ tầng CNTT chưa phù hợp cơ quan nghiên cứu khoa học của TP.
Nâng cao vai trò tư vấn hoạch định chính sách
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được trong thời gian qua.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị Viện cần xác định rõ hơn trách nhiệm, cơ hội tham gia đóng góp hoạch định chính sách của TP. Các chính sách, cơ chế phải đảm bảo tính khả thi và có lộ trình theo hướng tăng tính tự chủ động. Đặc biệt, Viện cần chủ động xác định những nhiệm vụ mang tính chuyên môn, đặc biệt là tư vấn cho lãnh đạo TP các chính sách khả thi khi áp dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng đội ngũ cộng tác viên là những chuyên gia trong và ngoài nước cho từng lĩnh vực ưu tiên trước mắt của Hà Nội.
Nhấn mạnh về việc chú trọng xây dựng đội ngũ nhân lực, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội cần có kế hoạch bài bản về đào tạo, nâng cao chất lượng trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên. Song song với đó, xây dựng ngay hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của TP, có sự phối hợp liên kết với Cục Thống kê, Sở KH&ĐT.
Về nhiệm vụ trước mắt, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong lưu ý, Viện phải nhanh chóng xây dựng tổng thể chức năng, nhiệm vụ, cơ chế chính sách, cơ chế ủy quyền… để nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như phát triển Viện.
“Tôi cũng đặt niềm tin vào đội ngũ cán bộ, nhân viên của Viện cùng với khát vọng vươn lên, sự tự tin là đơn vị “đặc biệt” của TP, tập thể Viện sẽ tiếp tục nỗ lực sáng tạo, cống hiến hơn nữa vì sự phát triển bền vững chung của Thủ đô” - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nói.