Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xác định vị trí nhân viên y tế trường học: Giải tỏa nỗi lo mất việc

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không ít trường học của Hà Nội hiện nay thiếu nhân viên y tế khiến các trường gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe học sinh (HS).

Vì thế mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành khung vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó xác định rõ vị trí việc làm của nhân viên y tế trường học.

Đâu đâu cũng thiếu

Thực hiện Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg ngày 12/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác y tế trường học, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, việc củng cố nhân lực và tăng cường cơ sở vật chất cho công tác y tế học đường được coi là trọng tâm. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều nhận định, hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị, công tác y tế học đường chưa chuyển biến. Tỷ lệ trường có phòng y tế mới đạt hơn 50%, tỷ lệ trường có cán bộ chuyên trách công tác y tế chỉ đạt khoảng 50%. Cả nước chỉ có khoảng 55% số trường thực hiện quản lý và lưu hồ sơ sức khỏe của HS.
 Nhân viên y tế khám cho học sinh trường Ngôi sao Hà Nội.
Tại Hà Nội, trong số gần 2.700 trường học, tỷ lệ trường có nhân viên y tế khoảng 95%, nhưng chỉ hơn 40% trong số này có trình độ y sĩ trung cấp theo đúng yêu cầu. Và không chỉ thiếu về nhân lực, y tế trường học còn thiếu cả cơ sở vật chất và cũng chưa thực sự được quan tâm. Tại Trường THCS Sơn Công (huyện Ứng Hòa), phòng y tế là căn phòng cấp 4 xập xệ, đã xuống cấp trầm trọng. Mái nhà hổng lỗ chỗ, trong phòng dù được nhân viên y tế quét dọn thường xuyên, song vẫn nhếch nhác do bột của mái ngói lâu ngày đã ải rơi lả tả xuống sàn nhà, lá rụng qua lỗ thủng rơi xuống nền nhà… Cô Nguyễn Thị Yến - nhân viên y tế tại đây cho biết, theo chuẩn y tế, 1 phòng y tế phải có ít nhất 2 giường, bàn phục vụ khám bệnh, chậu rửa tay… Tuy nhiên, những vật dụng này trường hoàn toàn thiếu. Dù trường có phòng y tế riêng, nhưng mỗi khi có HS ốm, mệt lại phải cho HS nằm nhờ phòng bảo vệ, hoặc phòng thư viện, bởi phòng y tế xuống cấp trầm trọng và rất nguy hiểm. Cô Yến cũng cho biết, bản thân cô không dám ngồi ở phòng làm việc, mà phải lên ngồi nhờ phòng thư viện, phòng hội đồng.

Không chỉ ở ngoại thành, mà trong bối cảnh áp lực về sĩ số HS, nhất là tại các khu vực đông dân cư, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội phải sử dụng phòng chức năng để làm phòng học, kiêm cả phòng y tế.

Nhân viên y tế hết “nhấp nhổm”

Năm học 2017 – 2018, theo phản ánh của lãnh đạo một số quận, huyện: Hoàng Mai, Thạch Thất, Ba Vì… trong danh mục vị trí việc làm, không có vị trí nhân viên y tế trường học. Tuy nhiên, đầu năm học mới 2017 – 2018, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Theo đó, trong số 8 vị trí việc làm của nhà trường có vị trí của nhân viên y tế.

Phấn khởi trước thông tin này, cô Nguyễn Phương Loan - nhân viên y tế trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) chia sẻ, đây là tín hiệu vui, là động lực giúp cô cũng như nhân viên y tế các nhà trường yên tâm làm việc. Ông Nguyễn Tài Thành - nhân viên y tế trường THPT Quốc Oai (huyện Quốc Oai) cho rằng, việc xác định vị trí việc làm của nhân viên y tế trong trường học là vô cùng quan trọng và phù hợp với tình hình hiện nay.

Đúng như bà Nguyễn Thị Nghĩa - Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội, việc xác định vị trí việc làm của nhân viên y tế trường học tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT là căn cứ cho các nhà trường tuyển dụng vị trí này để hoàn thiện bộ máy. Đây thực sự là tin vui giúp đội ngũ nhân viên y tế trường học bớt "nhấp nhổm", giải tỏa nỗi lo lắng bị mất việc và giúp họ chuyên tâm với nghề.

Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của từng vị trí: Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, giáo viên… trong đó, quy định số lượng nhân viên: Văn thư, kế toán, y tế và thủ quỹ (1 người có thể kiêm nhiệm nhiều việc) đối với trường tiểu học, THCS và THPT được bố trí tối đa từ 2 - 3 người/trường (tùy điều kiện vùng miền, TP có số lớp nhiều và HS đông).