Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xăng 9 lần giảm giá nhưng hàng hóa vẫn đứng yên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua 9 lần giảm giá xăng, với tổng mức 4.250 đồng/lít, tương đương giảm 16,57% nhưng giá các loại hàng hóa vẫn gần như giữ nguyên.

Xăng 9 lần giảm giá nhưng hàng hóa vẫn đứng yên - Ảnh 1
Lựa chọn mua sản phẩm tại siêu thị Hapro Thanh Xuân Bắc. Ảnh Nguyễn Quyết
Cước vận tải giảm không đáng kể

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho biết, theo tính toán, khi giá xăng dầu giảm khoảng 10%, các DN có thể hạ giá cước 5%. Tuy nhiên, kinh doanh vận tải không giống như các loại hình thương mại dịch vụ khác, giá cước vận tải phải cố định trong một thời gian dài. Trải qua nhiều đợt xăng dầu tăng giá, hầu hết các đơn vị vận tải trên địa bàn TP không tăng giá.

Tại Hà Nội, Taxi Group hiện công bố giảm giá cước 300 đồng/km cho 30km đầu tiên. Tuy nhiên, Taxi Group và nhiều hãng taxi khác đã điều chỉnh tăng giá cước với mức tăng từ 500 - 1.000 đồng/km khi giá xăng tăng hồi tháng 4. Hầu hết các DN taxi lấy lý do mỗi lần tăng hoặc giảm giá cước, DN phải chờ cơ quan kiểm định "chỉnh" đồng hồ tính cước, kiểm định, dán tem, kẹp chì đồng hồ tính cước cho các xe…

Còn đối với các hãng vận tải hành khách, theo thông tin từ Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA), tuyến
Ông Đào Minh Dương - Tổng Giám đốc Công ty CP Dương Việt Nhật: Đối với vận tải hàng hóa, việc tăng hay giảm giá cước là điều rất khó xảy ra ngay lập tức. Bởi, giá cước vận chuyển thường ổn định theo hợp đồng được ký kết giữa chủ hàng và đơn vị vận tải theo từng mốc thời gian. Do đó, khi đơn vị vận tải muốn điều chỉnh giá cước phải tính toán lại với chủ hàng, chủ hàng sẽ có kiến nghị với chủ vận tải và phải xem xét vào từng điều khoản trong hợp đồng, từ đó đưa ra những điều chỉnh cụ thể, phù hợp.

 Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP Hà Yến: Tới đây chúng tôi sẽ tính lại với đối tác vận chuyển về giá cước để có mức giá sát với thị trường. Tuy nhiên, các nhóm hàng thực phẩm, dịch vụ ăn uống… cũng chưa chịu "hạ nhiệt" khiến chúng tôi rất bức xúc. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý cần chỉ đạo các DN tính toán lại giá thành, kê khai lại giá cước phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu và giá các yếu tố đầu vào.

 Ông Phạm Hữu Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kim khí Thăng Long: Việc giá xăng giảm sẽ tác động đến giá nguyên vật liệu sản xuất đầu vào hay không, bản thân tôi cho rằng, bất cứ sự thay đổi về cơ chế chính sách nào cũng phải có độ trễ. Do đó trong ngắn hạn có thể chưa, nhưng sau khoảng 3 tháng từ khi giá xăng giảm, các DN cần có sự cân đối lại.
vận tải ô tô từ các bến xe ô tô miền Bắc đi miền Trung hiện có 4 DN vận tải giảm giá cước với biên độ nhẹ, khoảng 5 - 8%, các tuyến khác chưa có động thái giảm giá. Chủ tịch VATA Nguyễn Văn Thanh cho biết, Hiệp hội đã đề nghị các DN vận tải giảm giá, nhưng việc giảm giá cước phải có độ trễ chứ không thể xăng dầu giảm giá là thực hiện được ngay.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, lý do giữ giá cước của các hãng vận tải chỉ là "ngụy biện". Theo tính toán của ông Doanh, chi phí nhiên liệu chiếm 35 - 45% cước phí vận tải, nếu các chi phí khác không tăng trong khi xăng dầu giảm liên tục trong 4 tháng với tổng cộng 4.250 đồng/lít, tương đương giảm 16,57% thì mức giảm cước vận tải 5 - 8% là chưa tương xứng.

Giá hàng hóa khó giảm

Trong khi giá cước vận tải vin đủ lý do để chưa giảm giá thì không ít DN, đơn vị phân phối, các hộ tiểu thương vin vào giá cước vận tải để than khó có thể giảm giá hàng hóa. Một tiểu thương  tại chợ đầu mối Long Biên cho hay: Nếu chỉ có một vài đơn vị vận chuyển giảm giá cước thì không ăn thua, phải đồng loạt thực hiện thì may ra giá rau, củ, quả, thực phẩm… mới có thể giảm.

Trên thực tế, tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá các loại lương thực, thực phẩm vẫn giữ nguyên so với thời điểm trước khi giá xăng điều chỉnh giảm: Giá thịt bò vẫn ở mức 220.000 - 230.000 đồng/kg, thịt lợn 100.000 đồng/kg. Giá trứng gà, vịt vẫn lần lượt ở mức 35.000 và 32.000 đồng/chục. Các mặt hàng gạo cũng hầu như giữ nguyên giá bán... Chỉ có một số loại rau, củ giảm giá như bắp cải, su su, cà chua, rau ngót, nhưng chủ yếu là do hàng hóa rộ vụ, nhập tràn về các chợ đầu mối.

Với các siêu thị, trung tâm thương mại bán lẻ, cước vận tải giảm ít, chi phí lưu kho bãi, đầu vào lại tăng đã ảnh hưởng trực tiếp tới giá nguyên liệu và giá thành sản phẩm khiến giá cả hàng hóa tiêu dùng khó giảm theo giá xăng dầu. "Có chăng một số mặt hàng giảm giá chủ yếu nằm trong chương trình hàng bình ổn giá, một phần việc giảm giá này là do DN góp phần kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh sức mua chung trên thị trường thấp, nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng" - một đại diện hệ thống siêu thị Fivimart cho biết.

Cùng chung nhận định này, ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc Truyền thông Big C Việt Nam cho rằng, từ đầu năm tới nay, giá xăng giảm nhiều lần nhưng trên thực tế mỗi lần chỉ giảm ở mức vài trăm đồng/lít nên các nhà cung cấp hàng hóa không điều chỉnh giá tương ứng. Tuy nhiên, lần giảm giá ngày 7/11 nhiều hơn nên siêu thị sẽ có công văn đề nghị nhà cung cấp xem xét lại mức giá hàng hóa hợp lý.
Hiện rất ít hãng taxi giảm giá cước dù xăng dầu đã nhiều lần giảm giá.        Ảnh: Công Hùng
Hiện rất ít hãng taxi giảm giá cước dù xăng dầu đã nhiều lần giảm giá. Ảnh: Công Hùng
Giá hàng hóa trên thị trường lâu nay mỗi khi đã lên thì không xuống, hoặc xuống rất ít, nghịch lý này đã trở thành "bệnh khó chữa" của thị trường hiện nay. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định. Giá xăng dầu giảm liên tiếp trong thời gian qua là cơ sở để DN vận tải xem xét để giảm giá cước, cạnh tranh với các DN khác. Tuy nhiên, quyền quyết định giá cước vận tải là của DN. Đây là mặt hàng hoạt động theo cơ chế thị trường nên cơ quan quản lý chỉ có thể xử phạt khi DN không niêm yết giá cước, thực hiện sai giá kê khai...

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cước vận tải hành khách, hàng hóa không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bình ổn giá, nhưng Luật Giá cũng quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá. Cơ quan Nhà nước có quyền kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ khi giá có biến động bất thường.

Ngoài ra, Nhà nước có trách nhiệm điều tiết giá để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước. Như vậy, về mặt pháp lý, cơ quan quản lý có đủ "cây gậy" kiểm soát thị trường, hạn chế tình trạng câu kết, cố tình "neo" giá. Điều quan trọng là sử dụng "cây gậy" đó như thế nào để đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền lợi chính đáng của người dân.