Chốt tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2022 đứng ở mức 99,427 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 6/2022 đứng ở mức 104,37 USD/thùng.
Giới phân tích nhìn nhận, giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 28/3 với xu hướng giảm mạnh, khi thông tin EU sẽ không áp lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga, và Trung Quốc thực hiện phong toả TP Thượng Hải được phát đi.
Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 28/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2022 đứng ở mức 109,88 USD/thùng, giảm 4,02 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 5/2022 đứng ở mức 116,55 USD/thùng, giảm 4,1 USD/thùng trong phiên.
Trong bối cảnh thị trường lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu suy yếu khiến đà giảm của giá dầu thô tiếp tục gia tăng trong phiên giao dịch sau đó. Chi phí giá năng lượng và nhiều hàng hoá thiết yếu tăng cao do các chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hoá bị đứt gãy đã đẩy lạm phát phi mã, qua đó tạo rào cản đối với những nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế của các nước.
Ngoài ra, giá dầu có xu hướng giảm mạnh còn do một lượng lớn dầu của Nga vẫn đang được Trung Quốc và Ấn Độ mua vào.
Quan điểm cứng rắn của OPEC+ trong vấn đề tăng sản lượng và đồng USD suy yếu cộng với việc Nga ký sắc lệnh ngừng cung cấp khí đốt cho các quốc gia “không thân thiện” nếu không thanh toán bằng đồng Rúp đã giúp giá dầu ngày 31/3 và 1/4 tăng mạnh.
Song áp lực trên là không đủ lớn khi trong phiên giao dịch cuối tuần, thị trường dầu thô ghi nhận thông tin Mỹ sẽ xả mạnh 180 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ dầu thô trong 180 ngày, cùng với đó là việc các nước thành viên IEA cũng được cho sẽ ủng hộ kế hoạch này của Mỹ. Chi tiết bảng kế hoạch xả kho dự trữ dầu thô của IEA được cho là sẽ công bố vào đầu tuần tới.
Ngoài ra, việc đồng USD mạnh hơn nhờ kỳ vọng Fed tăng mạnh lãi suất thêm 0,5% cũng là nhân tố tạo áp lực khiến giá dầu thô giảm.